Năm 2019 là một năm không thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng khi số lượng hợp đồng xây lắp giảm khoảng 30 - 50%. Ảnh: Lê Tiên |
Kẻ thua lỗ, người chứng kiến lợi nhuận lao dốc
Được đánh giá là một trong những nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam, song trong quý III/2019, lợi nhuận của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) có mức giảm khá sâu.
Doanh thu thuần trong kỳ của Công ty là 4.615 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng 136 tỷ đồng so với quý III năm 2018, đạt mức 4.343,6 tỷ đồng, khiến lãi gộp quý III của Hòa Bình đạt 271,3 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù giảm một số chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp nhưng kết thúc quý III, Hòa Bình chỉ đạt 68,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 67% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng năm 2019, Hòa Bình ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 13.646 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm sâu, chỉ đạt 243,5 tỷ đồng, chưa bằng một nửa mức lãi ròng cùng kỳ năm ngoái (501,4 tỷ đồng).
Có thể nói, năm 2019 là một năm không thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD), nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam, cũng công bố lợi nhuận sụt giảm tới 65% trong quý III.
Cụ thể, vì doanh thu của Coteccons giảm hơn 23% so với quý III/2018, đạt tổng cộng 6.224,6 tỷ đồng, nên dù giá vốn có xu hướng giảm song lợi nhuận gộp thu về vẫn giảm hơn một nửa so với mức 574,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 254 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 7% xuống còn 4%.
Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng sụt mạnh 36% xuống chỉ còn chưa tới 51 tỷ đồng và phát sinh thêm chi phí tài chính so với quý III năm ngoái. Lãi từ công ty liên kết cũng giảm.
Sau khi trừ đi các chi phí, Coteccons ghi nhận lợi nhuận 165 tỷ đồng trong quý III, giảm hơn 65% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Coteccons đạt 16.262 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 477,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 60% so với 9 tháng năm 2018.
Năm 2019, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu đạt 27.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, Công ty mới chỉ lần lượt hoàn thành 60% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận đã hứa với cổ đông.
Một “đại gia” khác trong ngành xây dựng có kết quả kinh doanh bết bát là Tổng công ty CP Sông Hồng (mã chứng khoán: SHG). Doanh nghiệp này từng phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành xây dựng. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh trượt dài liên tiếp trong các quý gần đây, mục tiêu này xem ra còn xa vời.
Riêng quý III năm 2019, doanh thu thuần của Sông Hồng chỉ đạt 1,47 tỷ đồng, giảm 69,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi phí lãi vay và các chi phí khác tăng khiến Tổng công ty ghi nhận lỗ 15,8 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, lỗ lũy kế của Sông Hồng là gần 48 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên đến 956 tỷ đồng. Với mức thua lỗ đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đã âm tới 628,5 tỷ đồng.
Vì đâu gặp khó?
Tại thời điểm cuối tháng 9, Tổng công ty CP Sông Hồng có khoản nợ phải trả lên tới hơn 1.635 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 1.138 tỷ đồng, nợ dài hạn là 497,4 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị tài sản ngắn hạn chỉ khoảng 536 tỷ đồng.
Lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng thừa nhận, do nợ xấu nên Tổng công ty không đủ điều kiện về năng lực để tham dự các gói thầu nhằm tạo việc làm và nguồn tài chính cho công ty mẹ cũng như các công ty thành viên. Doanh thu và sản lượng chủ yếu chuyển tiếp từ các năm trước sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn.
Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên vẫn tiếp tục mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay cho công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I, nợ phải trả liên quan đến các nghĩa vụ bảo lãnh cho các công ty con.
Ngoài ra, tại thời điểm 30/9/2019, Tổng công ty còn có các khoản nợ phải trả và nợ tiềm tàng liên quan đến các khoản bảo lãnh vay ngân hàng.
Ban Tổng giám đốc của Sông Hồng cho biết, để khắc phục tình trạng khó khăn, Tổng công ty đang tái cơ cấu thông qua việc chuyển nhượng phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết, thực hiện chủ trương của Bộ Xây dựng trong việc thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng về mức 36% hoặc Bộ Xây dựng phải bán hết vốn nhà nước.
Sông Hồng cũng đang quyết toán các công trình tồn đọng và thu hồi công nợ, tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 bằng cách phát hành cổ phiếu phổ thông.
Trong khi đó, giải trình về kết quả kinh doanh quý III/2019 giảm, Coteccons cho biết, doanh thu giảm do những khó khăn chung của ngành xây dựng. Các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm. Ngoài ra, do nguồn việc ít, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của Công ty. Cùng với đó, lợi nhuận gộp giảm do một số công trình có thời gian thi công dài hơn dự kiến, làm tăng chi phí cố định. Đồng thời, áp lực giảm giá trong đấu thầu cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận.
Ban lãnh đạo Coteccons cũng cho biết, doanh thu tài chính giảm chủ yếu đến từ việc chủ đầu tư xác nhận chậm, dòng tiền thu từ khách hàng chậm, Công ty phải sử dụng nguồn tiền tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công theo các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Đồng thời trong kỳ, Công ty đã tăng vốn điều lệ rót vào Công ty TNHH Covestcons nên làm giảm nguồn tiền tiết kiệm, ảnh hưởng đến doanh thu tài chính quý III/2019.
Tại Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tính đến hết 30/9/2019, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 4.930 tỷ đồng, tăng 853 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản lỗ từ công ty con và công ty liên doanh, liên kết cũng tăng. Một vài năm trở lại đây, giới đầu tư bắt đầu dè chừng đối với Hòa Bình ở các khoản phải thu lớn gấp gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu, lợi nhuận suy giảm, dòng tiền lưu động âm…
Trong một báo cáo mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nêu một loạt những điểm nghẽn của thị trường bất động sản TP.HCM. HoREA lo ngại về tình trạng sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.
Chính những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đã có những tác động rất lớn tới hoạt động của ngành xây dựng. Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng bị sụt giảm khoảng 30 - 50% số lượng hợp đồng xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.