Luật Hỗ trợ DNNVV xác định rõ trách nhiệm và vai trò của mỗi địa phương trong hỗ trợ DNNVV. Ảnh: Tiên Giang |
Luật được xây dựng nhằm đưa ra biện pháp hỗ trợ toàn diện cho DNNVV thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV.
Đồng thời, Luật cũng xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ DNNVV; nâng cao hiệu quả điều phối, giám sát thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV.
Dự thảo Luật quy định 8 nội dung hỗ trợ cơ bản, mang tính phổ cập tới hầu hết đối tượng DNNVV, bao gồm: môi trường kinh doanh; tiếp cận tín dụng tại ngân hàng và các định chế quỹ; hỗ trợ thuế thu nhập DN; năng lực công nghệ; đào tạo, tư vấn và thông tin; mặt bằng sản xuất kinh doanh; xúc tiến, mở rộng thị trường và mua sắm công.
Việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về DN tại Việt Nam. Đây là đầu tiên sau gần 30 năm đổi mới và 15 năm bắt đầu công tác hỗ trợ DNNVV (bắt đầu từ năm 2001 với việc ra đời của Nghị định 90/2001/NĐ-CP), Việt Nam sẽ có một khung pháp luật áp dụng thống nhất cho các DNNVV thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân.