Thu hút FDI: Đến lúc ràng buộc chặt chẽ về chuyển giao công nghệ

Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp (DN) trong nước cần tập trung đào tạo, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, đồng thời nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm để có thể liên kết với các DN FDI.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF cho biết, gần 30 năm sau khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, một thực trạng phải thừa nhận là kết nối trong kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt, hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Theo số liệu thống kê của VCCI, các dự án FDI có quá ít liên doanh (khoảng 80% FDI ở Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài). Tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 14%, con số này có dấu hiệu cải thiện theo thời gian, nhưng rất chậm chạp.

Từ phía các doanh nghiệp FDI, liên kết hàng dọc với các công ty trong nước rất yếu. Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn, mà ít sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam của các DN FDI rất thấp. Samsung công bố giá trị gia tăng ở Việt Nam là 52%, các nghiên cứu cho thấy những con số khác.

Vị chuyên gia cũng cho rằng trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài chưa đi kèm chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý, góp phần nâng cao năng suất lao động mà mới chỉ dừng lại ở gia công và lắp ráp.

Theo ông, việc không hấp thụ được công nghệ tiên tiến cũng như liên kết chưa chặt chẽ với các DN FDI cần phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Bởi lẽ các nhà đầu tư nước ngoài hành động vì lợi nhuận, nếu các DN Việt làm ra các sản phẩm có chất lượng lại có giá cả phải chăng thì không có lý gì họ lại đi nhập từ những thị trường xa xôi, tốn nhiều chí phí hơn.

Bên cạnh đó, cách làm việc của nhiều DN Việt và cả một số cơ quan quản lý còn chưa chuyên nghiệp, phổ biến tình trạng “lì xì”, “đi đêm”, làm việc trên bàn nhậu… những điều quá đỗi xa lạ với các DN nước ngoài.

“Tôi biết có doanh nghiệp Việt Nam đã ký được hợp đồng thu hút được 4,2 triệu Euro về công nghệ chế biến rác thải thành điện, nhưng đến nay đã 6 tháng chờ đợi dự án vẫn không được phê duyệt vì còn vướng luật ‘đi đêm’. Trong khi DN ngoại không chấp nhận bỏ chi phí cho việc đó”, ông nói.

Chừng nào các DN vẫn có thể sống bằng mối quan hệ lợi ích nhóm, quan hệ thân hữu thì họ vẫn dựa vào đó có thể thỏa thuận thuế, xin đất, xin quyền lợi mà không tập trung vào đào tạo, cải thiện chất lượng sản phẩm, năng suất lao động để nâng cao vị thế, xứng tầm đối tác với các DN nước ngoài, chuyên gia Lê Đăng Doanh nêu quan điểm.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân đến từ cả hai phía. Một trường hợp khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam là các nhà đầu tư FDI không nỗ lực chuyển giao công nghệ. Nhiều công ty nước ngoài tìm đến với các nước như Trung Quốc hay Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ. “Họ coi các nước này như công xưởng của mình chứ không phải là các đối tác thực sự, vì vậy những công nghệ và bí quyết kinh doanh tất nhiên họ giấu”.

Một phần khác là trong nhiều trường hợp, chúng ta còn dễ dãi với các DN FDI, những cam kết về chuyển giao công nghệ, kỹ thuật vẫn lại bị bỏ ngỏ. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, về lâu dài, duy trì chính sách như vậy là không ổn bởi vì các FDI sẽ đến và sẽ đi tùy theo độ hấp dẫn của thị trường.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, thời gian qua đã có những chính sách, định hướng và gói hỗ trợ khối DN tư nhân trong nước, nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện khoảng cách giữa ý định, lòng mong muốn, sự nhiệt tình của các cấp lãnh đạo so với thực tế còn xa.

Để trở thành đối tác thực sự của các DN FDI, các DN của Việt Nam phải có quy mô đủ lớn và phải có đủ tính chuyên nghiệp. Cái đó chúng ta có hi vọng vào nhiều DN trẻ, những DN khởi nghiệp có tính chuyên nghiệp, tầm nhìn, hiểu biết về công nghệ cũng như giàu ý tưởng sáng tạo.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, để tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa không phải là chuyện dễ vì muốn vậy phải sẵn sàng về tri thức, kỹ thuật để khi tiếp nhận có thể tự mình sử dụng được.

Bên cạnh đó, người lao động cũng phải có khả năng thực hành những công nghệ mới, trong khi lao động phổ thông của nước ta phần đông mới chỉ thành thạo những công việc lặp đi lặp lại, chưa đủ năng lực tiếp nhận và phát triển công nghệ mới. Vì vậy, cần chú trọng phát triển, giáo dục, đào tạo đội ngũ lao động-đây là một trong những điều kiện tiên quyết để lan tỏa công nghệ, kỹ thuật tiên tiến từ các DN FDI.

Đồng thời, phải coi việc chuyển giao công nghệ là một yếu tố hàng đầu khi quyết định tiếp nhận một công ty FDI.

“Đúng là việc cân bằng giữa một mặt tạo ra ưu đãi để thu hút thêm nhiều DN FDI thâm nhập vào thị trường, góp vốn đầu tư, với một mặt thiết lập các chính sách, gia tăng điều kiện ràng buộc với họ về chuyển giao công nghệ là một điều không dễ”, ông Hiếu cho biết. Tuy nhiên, Việt Nam trong bối cảnh hiện tại đã không còn như thời điểm 10-20 năm trước, chúng ta đã có những lợi thế, những tiềm năng riêng khiến các DN nước ngoài ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam hơn.

Đây là thời cơ thuận lợi cho chúng ta tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao lợi thế cạnh tranh, biến mình trở thành đối tác hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế. Lúc đó, vị trí, sức mạnh trong đàm phán của Việt Nam cũng tăng lên, có thể đặt những cái “giá” cao hơn cho các công ty muốn vào kinh doanh tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục