Thu phí đấu giá để hoàn vốn chợ đầu mối 150 triệu USD

(BĐT) - Theo Sở Công Thương TP. Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 454 chợ, với tổng diện tích 170 ha, trong đó có 15 chợ hạng 1, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng. Tổng lưu lượng hàng hóa lưu thông qua chợ tại khu vực nội thành chiếm khoảng 40%, tại khu vực nông thôn chiếm khoảng 60%.
Chợ đầu mối tổng hợp hoa quả và nông thủy sản Phù Đổng dự kiến được xây dựng trên diện tích 50 ha. Ảnh: Thanh Nhàn
Chợ đầu mối tổng hợp hoa quả và nông thủy sản Phù Đổng dự kiến được xây dựng trên diện tích 50 ha. Ảnh: Thanh Nhàn

Trong khi đó, chợ đầu mối hiện hoạt động chỉ có 2 chợ gồm: chợ đầu mối Minh Khai, quận Nam Từ Liêm và chợ đầu mối phía Nam, quận Hoàng Mai. Về cơ bản, các chợ này hoạt động theo mô hình chợ truyền thông, hoạt động lưu thông nông sản, thực phẩm hiện nay vẫn mang tính thủ công, nhỏ lẻ, chưa phát huy được vai trò, chức năng cũng như hiệu quả hoạt động của chợ đầu mối, nhất là công tác quản lý, kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Do đó, Sở Công Thương đã đề xuất Thành phố về nhu cầu phát triển chợ đầu mối theo tiêu chuẩn hiện đại, văn minh, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật sơ chế, bảo quản thực phẩm và đặc biệt là vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng nông sản, thực phẩm ngay từ khâu sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm và thu nhập của người sản xuất cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức vào tháng 6/2016, Dự án Chợ đầu mối tổng hợp hoa quả và nông thủy sản Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được giới thiệu với các nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư xây dựng trên diện tích 50 ha theo hình thức xã hội hóa.

Hiện, có 1 nhà đầu tư Hàn Quốc đã lập hồ sơ đề xuất dự án theo quy định của Luật Đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư này đề xuất dự án xây dựng và vận hành chợ đầu mối có hoạt động đấu giá theo tiêu chuẩn quốc tế. Tổng vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD trên diện tích khoảng 50 ha. Các hạng mục chính được nhà đầu tư đề xuất gồm: Khu chợ đấu giá bán buôn, khu chợ bán lẻ, trung tâm sơ chế, kho lạnh, trung tâm kiểm dịch, trung tâm hỗ trợ và xúc tiến xuất khẩu, hỗ trợ, tư vấn giao dịch thương mại, khu trưng bày, các công trình phụ trợ, công trình tiện ích… Theo tính toán của nhà đầu tư này, Dự án khi đi vào vận hành tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động gồm nông dân, thương gia, trung gian môi giới, đấu giá, nhân viên…).

Về phương án tài chính của Dự án, nhà đầu tư đề xuất tự huy động vốn và đầu tư theo hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhà đầu tư sẽ thu hồi vốn thông qua hoạt động thu phí môi giới đấu giá, cho thuê mặt bằng các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa, tư vấn đầu tư, kinh doanh hàng hóa…

Sau khi nhận được một số ý kiến góp ý của các cơ quan hữu quan, hiện nhà đầu tư đang nghiên cứu làm rõ một số nội dung liên quan đến quy mô dự án, các chỉ tiêu xây dựng công trình, sự phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống đê sông Hồng, các yêu cầu về kết nối hạ tầng…

Tin cùng chuyên mục