Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Hỗ trợ toàn diện cho DNNVV
Dự thảo Luật này dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7/2016 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV (dự kiến tháng 10/2016). Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khoá XIII tin tưởng rằng, Chính phủ và Quốc hội khoá XIV sẽ đặc biệt quan tâm đến Luật này, có tiếng nói mạnh mẽ và hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DNNVV.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Dự thảo Luật được xây dựng nhằm đưa ra cách tiếp cận hỗ trợ toàn diện cho DNNVV thông qua thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV trên cơ sở hỗ trợ có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực quốc gia nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực DNNVV.
Đồng thời, Luật cũng xác định rõ trách nhiệm và vai trò của Chính phủ, cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân trong hỗ trợ DNNVV, cũng như nâng cao hiệu quả điều phối, giám sát thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV.
Đặc biệt, trong Chương II của Dự thảo Luật có nhấn mạnh vấn đề hỗ trợ DNNVV tham gia mua sắm công. Cụ thể, các cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách mua sắm công dành tỷ lệ tối thiểu 20% ngân sách hoặc số hợp đồng hàng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ do DNNVV sản xuất, cung ứng.
Theo nghiên cứu đánh giá tác động (RIA) trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ DNNVV của ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn về quản lý kinh tế, DNNVV sẽ tiếp cận thị trường mua sắm công 4,2 tỷ USD với khoảng 40.000 DNNVV hưởng lợi.
Cần nâng vai trò của chính quyền địa phương
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khoá XIII, nhận định: Với cơ cấu gồm 7 chương, 49 điều, Dự thảo Luật đã thể hiện tương đối đầy đủ mục tiêu xây dựng và ban hành đạo luật này. Đặc biệt, ở Chương II, các nội dung hỗ trợ mang tính bao quát và cũng chính là những điểm yếu mà DNNVV cần sự hỗ trợ để có thể phát triển được.
Ông Lịch cũng tán thành việc thành lập Hội đồng phát triển DNNVV quốc gia. Tuy nhiên, ông lưu ý cần nói rõ quan điểm: Phát triển DNNVV có ý nghĩa chiến lược trong quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam. Hỗ trợ DNNVV phát triển vừa có ý nghĩa kinh tế, nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Ông Lịch cho biết, kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, vai trò nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho DNNVV chủ yếu là chính quyền địa phương hoặc vùng, chứ không phải chính quyền trung ương. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật, vai trò chính quyền địa phương còn khá chung chung và mờ nhạt, nên cần được quy định rõ hơn. Cần phải tạo điều kiện cho các địa phương nâng cao tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong hỗ trợ DNNVV.