Thúc nền kinh tế bứt tốc từ nguồn lực đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chào mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước, 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn, quan trọng của Trung ương và các địa phương trên cả nước trong năm 2025 được khánh thành, khởi công.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung nguồn lực để hoàn thành sớm nhiều dự án hạ tầng trọng điểm ngay trong năm 2025. Ảnh: Song Lê
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung nguồn lực để hoàn thành sớm nhiều dự án hạ tầng trọng điểm ngay trong năm 2025. Ảnh: Song Lê

Tổng vốn đầu tư của 80 dự án khoảng 445.000 tỷ đồng, gồm tổng vốn các dự án khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh thành là 140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách nhà nước là 260.000 tỷ đồng, đang và sẽ tạo tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng năm 2025 và dài hạn.

Trong 80 công trình, dự án trên có 47 công trình được khánh thành với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: 5 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227 km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268 km; hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân; Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...

Bên cạnh đó, 33 công trình được khởi công với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương như: Nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, TP. Hà Nội; Dự án thành phần 1, 2 thuộc tuyến Vành đai II TP.HCM; Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Cà Mau; đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước III; Bệnh viện Đa khoa Cà Mau; hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề; Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (TP.HCM)…

Việc thực hiện, sử dụng hiệu quả, phát huy vai trò dẫn dắt, kích hoạt thu hút đầu tư xã hội của dòng vốn đầu tư công được nhận định là mũi nhọn, động lực quan trọng để vừa góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cao trong năm 2025, vừa tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Tại buổi lễ khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo thế để tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tiếp theo; tập trung sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Đảng ta xác định, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên là phải tập trung nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chiến lược đồng bộ, hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, hóa giải mọi khó khăn, điểm nghẽn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành sớm các dự án trọng điểm ngay trong năm 2025 như: Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I; Nhà ga T3 Nội Bài; Sân bay Gia Bình (Bắc Ninh); Trung tâm Triển lãm quốc gia Hà Nội; hoàn thành, đưa vào khai thác trên 3.000 km đường bộ cao tốc trải dài trên khắp các vùng miền của đất nước; cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa…; tăng tốc khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đường cao tốc Hà Nội - Vientiane, Cao tốc Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Cảng biển Hòn Khoai (Cà Mau), Cần Giờ, Liên Chiểu; dự kiến khởi công Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026… Đây là những công trình mang tính chất "xoay chuyển tình thế, thay đổi trạng thái" hạ tầng chiến lược của đất nước.

Riêng trong năm 2025, theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang là 888.087,9 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân bổ cho nhiều dự án quan trọng.

Xác định vai trò của đầu tư công, Chính phủ đã đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn năm 2025. Nhiều giải pháp quyết liệt đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, sâu sát chỉ đạo. Các địa phương cũng tập trung, quyết liệt giải ngân, xác định giải ngân đầu công là nhiệm vụ quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025.

Tại họp báo công bố Báo cáo Điểm lại tháng 3/2025 cập nhật kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), chuyên gia của WB nhấn mạnh, một trong những chính sách hàng đầu để hỗ trợ tăng trưởng là đẩy mạnh đầu tư công, đi đôi với những cải thiện về quản lý đầu tư công. Dư địa tài khóa của Việt Nam vẫn còn để tăng đầu tư công, nhất là những lĩnh vực hạ tầng còn thiếu hụt như năng lượng, vận tải, logistics, góp phần bảo đảm tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.

Ông Michael Kokalari, CFA, Giám đốc Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital nhận định, việc hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công năm 2025 sẽ đóng góp khoảng 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Đồng thời, việc Quốc hội quyết định bổ sung tăng đầu tư công năm 2025 thêm 1% GDP cho các dự án kết cấu hạ tầng được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP mới, cũng như hỗ trợ triển vọng tăng trưởng dài hạn và thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Nguồn vốn đầu tư công cũng sẽ là vốn mồi cho nhiều dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) lớn trong thời gian tới. Theo Bộ Tài chính, trong hơn 4 năm thực hiện Luật PPP, có khoảng hơn 40 dự án được triển khai theo quy định của Luật. Đây đều là những dự án trọng điểm quốc gia, địa phương, sau khi hoàn thành, sẽ có tác động tích cực tới hệ thống kết cấu hạ tầng của quốc gia, của vùng và của từng địa phương.

Tin cùng chuyên mục