Ảnh: Lê Tiên |
Báo Đấu thầu giới thiệu một số ý kiến của doanh nhân, chuyên gia kinh tế về việc làm thế nào gây dựng và nuôi dưỡng, phát triển một thương hiệu.
Ông Lê Văn An, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ điện xây dựng - CTCP (AGRIMECO)
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của khoa học công nghệ, thời gian qua, AGRIMECO đã đầu tư đổi mới toàn diện thiết bị và công nghệ nhằm đưa thương hiệu doanh nghiệp vươn xa. Hiện AGRIMECO đang đi đầu trong việc chế tạo các thiết bị năng lượng phục vụ cho các công trình thủy điện như Sơn La, Lai Châu… Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang cố gắng vươn lên thành nhà sản xuất hàng đầu trong khu vực và ngang tầm với các công ty lớn trên thế giới trong lĩnh vực chế tạo các loại kết cấu thép cho nhà cao tầng, nhà máy nhiệt điện, sân bay, ga tàu điện ngầm, tháp truyền hình, khu công nghiệp, khu lọc dầu… Gần đây nhất, AGRIMECO đã giành được hợp đồng lớn chế tạo kết cấu thép tại Dự án Tòa nhà VietinBank Tower cao 363 m (cao nhất Việt Nam hiện nay, hoàn toàn bằng thép) với giá trúng thầu thấp hơn rất nhiều so với nhà thầu Hàn Quốc.
Dù việc ứng dụng thiết bị và công nghệ mới vào sản xuất có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp, song số vốn đầu tư để đổi mới trang thiết bị với một số doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là không hề nhỏ. Do đó, tôi đề xuất, đối với những doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, Nhà nước nên có chính sách để họ có thể tham gia nhiều hơn vào các dự án/công trình phù hợp với năng lực của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tự khẳng định mình với những sản phẩm uy tín, chất lượng.
TS. Trần Anh Tuấn, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội
Gần đây nhiều thương hiệu Việt bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Các thương hiệu có thể bị động hoặc chủ động rao bán, nhưng chủ yếu vẫn do “sức khỏe” của các doanh nghiệp Việt không đủ chống chọi với các đối thủ ngoại có sức mạnh vượt trội. Khi thâu tóm thành công, doanh nghiệp ngoại sẽ đưa hàng hoá của nước họ vào, gây bất lợi cho hàng hoá trong nước.
Khi không đủ sức chống chọi thì việc bị thôn tính, phá sản là một xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Muốn tồn tại và cạnh tranh được, không còn cách nào khác là bản thân doanh nghiệp phải tự vận động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, thay đổi mình để trở nên chuyên nghiệp hơn… Nếu không, doanh nghiệp sẽ thua ngay trên sân nhà chứ chưa cần nói tới việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp muốn tồn tại được thì bên cạnh vấn đề năng lực quản trị, đạo đức kinh doanh cần hết sức được chú trọng. Doanh nghiệp nếu làm ăn gian dối, sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì sẽ phá hoại thị trường, làm mất niềm tin của người dân vào hàng hoá nội địa.
Sắp tới, hàng loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, cánh cửa hội nhập tiếp tục rộng mở là những cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, muốn xây dựng được thương hiệu Việt uy tín, các doanh nghiệp cần có được những sản phẩm công nghệ cao, có tính cạnh tranh và tạo nên giá trị gia tăng cao.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển XD và thương mại Thuận An
Nói về việc xây dựng và phát triển thương hiệu nhà thầu/doanh nghiệp sẽ dễ dẫn đến những vấn đề khách sáo và giáo điều nếu chỉ nhìn trên bình diện lý thuyết. Còn theo tôi, đối với các nhà thầu xây dựng thì thương hiệu phải được bắt đầu từ chữ tín đối với chủ đầu tư, cộng đồng xã hội thông qua các công trình xây dựng. Nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, có biện pháp thi công vượt trội, có chất lượng công trình tốt, đảm bảo độ bền vững và tuổi thọ cao sau khi đưa vào sử dụng sẽ tạo được sự lan tỏa về chữ tín.
Trong quá trình triển khai và thực hiện dự án, nhà thầu phải đề cao chữ tín, lấy chữ tín làm hàng đầu, thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng của nhà thầu đối với chủ đầu tư, thể hiện trách nhiệm của nhà thầu đối với công trình xây dựng, đảm bảo an toàn lao động, chất lượng và tiến độ công trình.
Ở những dự án lớn, có quy mô và tầm cỡ thì nhà thầu sẽ có thuận lợi trong việc tăng cường và phát triển thương hiệu, tạo tiếng vang đối với xã hội. Tuy nhiên, trong trường hợp trúng thầu và đảm nhận các dự án/công trình quy mô vừa và nhỏ, nhà thầu cũng có thể xây dựng thương hiệu của mình thông qua chất lượng công trình, các giải pháp ưu việt trong thi công để đẩy nhanh tiến độ, tạo niềm tin cho chủ đầu tư và những người sử dụng dịch vụ công trình.
Từ đó, tôi cho rằng, những nhà thầu chưa lớn, tên tuổi chưa được nhiều người biết đến hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thương hiệu từ những dự án quy mô nhỏ. Và điều quan trọng là doanh nghiệp, nhà thầu phải có ý thức, coi trọng thương hiệu của mình và chiến lược xây dựng thương hiệu cần phải đi vào những vấn đề thực chất, có giá trị cốt lõi trong mục tiêu phát triển, định hướng kinh doanh của nhà thầu.
Ông Nguyễn Danh Duyên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội
Trong giai đoạn vừa qua, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) đã bảo đảm vận hành, cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô. Đặc biệt là cung cấp điện an toàn tuyệt đối phục vụ các hoạt động chính trị, an ninh quốc phòng, văn hoá, ngoại giao của Đảng, Nhà nước và Thành phố.
Có được thành công này là nhờ EVN HANOI đã và đang thực hiện nhiều chương trình hành động tổ chức xen kẽ tiến hành rà soát, sửa đổi và xây dựng mới các quy chế, quy định quản lý nội bộ nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cụ thể là đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp điện mới, phát triển khách hàng để tăng doanh thu và khai thác hiệu quả hạ tầng điện; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm giảm thời gian tiếp cận điện năng...
Trước áp lực nhu cầu điện cũng như chất lượng dịch vụ cung cấp điện tăng cao như hiện nay, EVN HANOI xác định công tác đảm bảo vận hành, cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu điện phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế và sinh hoạt là nhiệm vụ đầy thách thức.
Trong thời gian tới, EVN HANOI tiếp tục chú trọng đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ sinh hoạt của nhân dân Thủ đô; giảm đến mức thấp nhất thời gian mất điện, dần từng bước kiểm soát điều khiển lưới điện theo hướng tự động hoá, nâng cao khả năng phát hiện nhanh, ngăn ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ sự cố.
Đặc biệt, đơn vị chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ một cách đồng bộ, mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực nhằm đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng cũng như tập trung thực hiện triển khai đầu tư và đưa vào vận hành nhiều công trình trọng điểm, cấp bách đảm bảo cấp điện cho TP. Hà Nội theo đúng quy hoạch phát triển điện lực Thành phố đã được Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội phê duyệt.