Tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ. Bước đột phá về tư duy mở ra kỳ vọng Nhà nước sẽ thực hiện nhiều cải cách để thúc đẩy sức sáng tạo, tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân…
Năm 2025, Công ty CP Công nghệ - Viễn thông ELCOM đặt mục tiêu 1.160 tỷ đồng doanh thu, 126 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 27% so với năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2025, Công ty CP Công nghệ - Viễn thông ELCOM đặt mục tiêu 1.160 tỷ đồng doanh thu, 126 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 27% so với năm ngoái. Ảnh: Nhã Chi

Khát vọng của doanh nghiệp tầm trung

Chia sẻ với các nhà đầu tư mới đây, ông Phan Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ - Viễn thông ELCOM cho biết, xu hướng bảo hộ thương mại và chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ tạo ra những thách thức lớn cho các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, với đặc thù là doanh nghiệp công nghệ, ELCOM không chịu ảnh hưởng đáng kể từ chính sách thuế. Công ty thấy cơ hội rõ ràng từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư nội địa, thúc đẩy đầu tư công, chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an ninh quốc gia… Năm 2024, ELCOM đạt hơn 99 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 18% so với năm trước. 2025 là năm tròn 30 năm hoạt động, Công ty đặt mục tiêu 1.160 tỷ đồng doanh thu, 126 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 27% so với năm liền trước. Với khẩu hiệu “Cất cánh vào kỷ nguyên mới”, ELCOM sẽ dồn tâm phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), với mục tiêu tích hợp AI vào các sản phẩm lõi, từ phân tích dữ liệu lớn, điều tra thông minh cho đến giám sát và điều hành đô thị. “AI không chỉ là xu hướng công nghệ mà còn là nền tảng quan trọng để nâng cao hiệu quả, khả năng mở rộng và sức mạnh cạnh tranh của ELCOM”, Chủ tịch Công ty nhận định.

Với Công ty CP Nhựa Tiền Phong, đi qua năm 2024 với doanh thu thuần 5.656,56 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 888,45 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay, Công ty tự tin xây dựng kế hoạch năm 2025 với 6.000 tỷ đồng doanh thu, 690 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nhựa Tiền Phong phát triển tầm nhìn 2025 - 2035, với chuyển đổi số tiếp tục là “ưu tiên hàng đầu”. Thực tế, sự phát triển của nền kinh tế khiến nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, đóng gói, ô tô, điện tử, y tế, và nông nghiệp…, liên tục tăng lên. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi từ xu thế thị trường. Trong cùng ngành nhựa, quý IV/2024, Nhựa Bình Minh có doanh thu giảm 28%, về hơn 1.000 tỷ đồng, Nhựa Tân Đại Hưng giảm 30%, còn 119 tỷ đồng; Đầu tư Sản xuất và Thương mại HCD cũng gặp khó khăn, doanh số giảm gần 22%, còn 202 tỷ đồng... Với Nhựa Tiền Phong, hiệu quả cao đến từ việc mở rộng thị trường và liên tục cải tiến quy trình sản xuất. Năm 2024, Công ty có 10 sáng kiến, cải tiến được ghi nhận.

Trong ngành tài chính, Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) đặt mục tiêu năm 2025 đạt 1.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 40% so với năm 2024. Điểm tựa cho kế hoạch đột phá đến từ việc MBS thực hiện chuyển đổi số và làm chủ hoàn toàn hệ thống công nghệ, hiện là công ty chứng khoán đầu tiên phát triển công cụ tư vấn số tự động trên cơ sở sử dụng AI và máy học. Từ việc làm chủ công nghệ, MBS đi nhanh hơn nhiều doanh nghiệp cùng ngành nhờ khả năng phát triển sản phẩm mới, phục vụ khách hàng không giới hạn với chi phí tối ưu.

ELCOM, Nhựa Tiền Phong, MBS thuộc khối doanh nghiệp quy mô vừa, có nền tảng, có lựa chọn đầu tư hợp thời cuộc và có khát vọng phát triển để từng bước vươn lên thành doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, đại đa số doanh nghiệp nước ta lại thuộc khối quy mô nhỏ và siêu nhỏ, làm thế nào để tồn tại và lớn lên là câu hỏi hóc búa trong bối cảnh thương trường biến động nhanh chóng, cạnh tranh khốc liệt và khó khăn nhiều bề.

Điểm tựa cho khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ. Ngay sau Nghị quyết số 68, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế” chỉ ra nhiều việc cấp bách để đưa Nghị quyết 68 vào cuộc sống. Theo Tổng Bí thư, cần tạo sự đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng "phục vụ" thay vì đối tượng "quản lý", đảm bảo nguyên tắc "nói đi đôi với làm" thống nhất trong toàn hệ thống chính trị. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thúc đẩy phát triển xã hội có tư tưởng khởi nghiệp, khát vọng làm chủ, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Triển khai ngay gói tín dụng ưu đãi riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng nhà nước. Dành quỹ đất ưu tiên 5-10% tại các khu công nghiệp công nghệ cao cho startup thuê với giá ưu đãi. Mở rộng mô hình sandbox pháp lý toàn quốc, cho phép thử nghiệm thực tế với fintech, AI, nông nghiệp số trong khung thời gian bảo vệ pháp lý rõ ràng. Xây dựng trung tâm tư vấn pháp lý miễn phí hoặc trợ giá cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Minh Ngọc, Chủ tịch Công ty tư vấn đầu tư Bluechip IB cho rằng, Nghị quyết 68/NQ-TW và những chỉ đạo của Tổng Bí thư truyền tải một tầm nhìn khác hẳn truyền thống, táo bạo, nhưng căn bản và thực tế. Nếu làm được sẽ hiện thực hóa một tư duy hoàn toàn mới so với những suy nghĩ lối mòn trước đó trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ở góc nhìn doanh nhân, ông Ngọc mong muốn Nhà nước sớm luật hóa cơ chế sandbox cho các nghiên cứu, các mô hình sáng tạo, thay vì người dân, doanh nghiệp đi xin phép đối với từng dự án. “Nên cho phép tư nhân cũng được nghiên cứu phát triển tiền số, tài sản số và cho phép hạch toán các chi phí nghiên cứu phát triển mà không đủ chứng từ kế toán… Đặc biệt, cần gỡ “vòng kim cô” quan điểm để cởi trói cho các chủ thể phát triển nền tảng platform trên không gian mạng, tránh tình trạng nhiều ý tưởng xuất sắc bị chết yểu như trang web haivl hay Flappy Bird. Nếu được khuyến khích, người sáng tạo ra Flappy Bird sẽ không chỉ dừng ở Flappy Bird”, ông nói.

Cũng theo ông Ngọc, Nhà nước nên sớm dỡ bỏ độc quyền trong nhiều lĩnh vực, như độc quyền bán lẻ điện, chỉ độc quyền truyền tải điện, đồng thời tăng cường tự do hóa đường sắt, chỉ giữ lại độc quyền đường ray thôi, còn mảng khai thác nên tự do hóa hoàn toàn để tư nhân vào thì sẽ tối đa hóa logistics ngành đường sắt...

Sự phát triển của các doanh nghiệp tầm trung cho thấy, năng lực cạnh tranh cốt lõi được tạo nên từ tầm nhìn công nghệ và sự đầu tư nghiêm túc, liên tục. Khối doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất cần được khuyến khích, được tạo điều kiện nghiên cứu sáng tạo, phát triển công nghệ để từ đó tìm ra “chìa khóa” lớn lên.

Tin cùng chuyên mục