Hàng hóa nhập khẩu lưu giữ tại cảng Cát Lái đã được vận chuyển đến cảng biển khác trên địa bàn TP.HCM và các cảng cạn tại các tỉnh, thành phố khác. Ảnh: Lê Tiên |
Ông Phan Bình Tuy, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý về hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM cho biết, thời gian gần đây, TP.HCM và các tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống dịch phải dừng hoạt động nên không đến cảng nhận hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận, làm dịch vụ thủ tục hải quan gặp khó khăn với việc lưu thông và thiếu nhân sự do bị cách ly. Các yếu tố đó gây tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái, công suất chứa hàng tại cảng hiện đã lên đến 90%.
“Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, cảng Cát Lái có thể hết sức chứa hàng hóa và phải tạm dừng tàu biển nhập cảnh, tiếp theo là không có tàu cho xuất khẩu hàng hóa. Trong trường hợp đó, hoạt động của doanh nghiệp sẽ khó chồng khó. Cơ quan hải quan đã rất nỗ lực thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn này, cảng Cát Lái chưa bị ách tắc. Tuy nhiên, hiện số container còn tồn đọng quá 90 ngày được chuyển từ cảng Cát Lái về Tân Cảng Hiệp Phước chờ làm thủ tục xử lý hàng tồn vẫn ở mức 1.200 container”, ông Tuy cho biết.
Còn theo ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan, để giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng Cát Lái, cơ quan hải quan đã có công văn chỉ đạo triển khai áp dụng thủ tục hải quan tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng Cát Lái được vận chuyển đến cảng biển khác trên địa bàn TP.HCM và các cảng cạn (ICD) tại các tỉnh, thành phố khác để lưu giữ. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai được vận chuyển về ICD Tân Cảng Long Bình hoặc ICD Tân Cảng Nhơn Trạch; hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Bình Dương được vận chuyển về ICD Tân Cảng Sóng Thần; hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp tại các tỉnh miền Tây được vận chuyển về Tân Cảng Hiệp Phước.
Bên cạnh đó, hàng hóa tồn đọng đã hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, định giá theo quy định được vận chuyển từ cảng Cát Lái về lưu giữ tại Tân Cảng Hiệp Phước.
Cơ quan hải quan đề nghị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thông báo cho các khách hàng là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hãng tàu/đại lý hãng tàu về tình trạng ùn tắc tại cảng Cát Lái để có phương án dỡ hàng và lưu giữ hàng hóa tại cảng Cái Mép, đồng thời điều chỉnh cảng đích từ cảng Cát Lái về cảng Cái Mép để doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật.
“Các giải pháp đó đã giúp hoạt động luân chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái thông suốt”, ông Tám cho biết.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể vẫn phức tạp, để đảm bảo thông suốt hoạt động tại các các cảng biển nói chung, cần sự tiếp tục vào cuộc của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương.
“Sở giao thông vận tải tại các địa phương cần tạo điều kiện cho nhân lực tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu được đi lại thuận tiện. Các cơ quan chức năng phối hợp để việc vận chuyển hàng hóa về các địa điểm khác ngoài địa điểm đang bị ùn tắc được thuận lợi. Bên cạnh đó, giải pháp căn cơ nhất hiện nay là tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, tái khởi động sản xuất, và chuẩn bị sẵn cơ chế điều tiết trong trường hợp hàng ùn ứ tại cảng”, ông Nam nói.