Tìm kiếm “dư địa” cho tăng trưởng kinh tế

(BĐT) - Đánh giá rất cao quyết tâm của Chính phủ trong việc chưa điều chỉnh chỉ tiêu Quốc hội đã giao, song các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, với tình hình khó khăn trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chính phủ cần nêu rõ cách thức và giải pháp thực hiện trong những tháng còn lại để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2016.
Giá dầu giảm là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm sút. Ảnh: Huyền Trang
Giá dầu giảm là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm sút. Ảnh: Huyền Trang

Tăng trưởng giảm sút là bất khả kháng

Tại Phiên họp thứ 50 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa diễn ra, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016 của Chính phủ và cho biết, kinh tế nước ta vẫn đang trên đà phục hồi, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,52% nhờ những nỗ lực trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32%, nhưng con số này cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ 3 năm trước đó (năm 2012 là 4,93%; năm 2013 là 4,9%; năm 2014 là 5,22%).

Chính phủ cho rằng, tăng trưởng GDP trong ngắn hạn tạm thời bị giảm sút bởi các nguyên nhân bất khả kháng. Chẳng hạn như sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng; thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển; giá dầu thấp, sản lượng khai thác dầu giảm… “Như vậy, nếu không có tác động xấu do nguyên nhân khách quan nêu trên thì tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm có thể đạt mức tương đương cùng kỳ năm 2015” – Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.

Còn nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%. Chính phủ cho rằng, đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh tình hình hiện nay, do không còn dư địa hoặc rất khó có khả năng nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa.

Mặc dù vậy, kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, sự phục hồi của công nghiệp chế biến và tăng trưởng cao của khu vực dịch vụ… là những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, việc ký kết và thực hiện các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mang lại những đột phá về đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 7,6%. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh tình hình hiện nay, do không còn dư địa hoặc rất khó có khả năng nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa.
Do đó, nếu nỗ lực, tập trung khắc phục các khó khăn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung nâng cao tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực còn nhiều tiềm năng như xây dựng, dịch vụ, du lịch… thì vẫn có khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đã được Quốc hội đề ra.

Trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, trước mắt chưa điều chỉnh chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ. Quyết định này nhận được sự đồng thuận cao của các thành viên UBTVQH. Tuy nhiên, ông Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn rằng, tăng trưởng GDP năm 2016 theo mục tiêu phải đạt 6,7% nhưng kết quả 6 tháng đầu năm khá thấp, trong khi thời gian còn lại của năm không còn nhiều. “Với những khó khăn hiện tại thì liệu chúng ta có thực hiện được theo đúng Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra không?” – ông Tỵ đặt câu hỏi và cho ý kiến, báo cáo của Chính phủ cần phải có những đánh giá, dự kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm sâu sắc và cụ thể hơn nữa.

Đơn cử, tình hình về ô nhiễm môi trường tại Formosa cần có những đánh giá chi tiết hơn. Bởi theo ông Tỵ, vụ việc về Formosa mới chỉ giải quyết được bước đầu, nhưng tiềm ẩn sâu sa còn nhiều vấn đề như: khắc phục môi trường bao giờ xong, bao giờ nghề cá và ngành du lịch tiếp tục thực hiện; vấn đề giải ngân tiền đền bù  thực hiện như thế nào…

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì cho rằng, GDP 6 tháng cuối năm phải đạt gần 7,6% là khó khả thi, đặc biệt trong bối cảnh không thể nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm tăng ở mức hợp lý nhưng sẽ có nhiều áp lực trong 6 tháng cuối năm, nhất là tác động tăng giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình, giá dầu thế giới có xu hướng tăng trở lại và tăng giá lương thực, thực phẩm vào mùa mưa bão. Do đó, đòi hỏi phải kiên trì và có biện pháp kiểm soát đồng bộ thì mới thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết Quốc hội.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, kinh tế năm 2016 thực sự rất khó khăn nên để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra thì tổng cầu phải tăng lên hoặc trông chờ vào chi đầu tư phát triển của Nhà nước. Trong khi đó, dư địa để tăng 2 yếu tố này là không lớn. "Báo cáo của Chính phủ cần phải nêu rõ nét hơn nữa cách thức và giải pháp cụ thể trong điều hành để đạt được những mục tiêu tổng quát của năm 2016" - bà Ngân nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục