Tìm kiếm thị trường và động lực mới để thúc đẩy xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước thì cả xuất khẩu (XK) và nhập khẩu (NK) đều giảm, trong đó, XK giảm hơn 10%. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm kiếm những giải pháp nhằm thúc đẩy XK hàng hóa, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh được dự báo vô cùng khó khăn.
Hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nhã Chi
Hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Nhã Chi

Tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tổng cầu thế giới giảm trong khi nguồn cung về nguyên nhiên phụ liệu ngày khó khăn, lạm phát và tỷ giá liên tục biến động… đã tác động mạnh đến hoạt động XK của DN trong nước. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, cần có thêm những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy XK hàng hóa.

Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 100 tỷ USD, vẫn có xuất siêu, song XK và NK đều giảm. Cụ thể, kim ngạch XK hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch NK hàng hóa tháng 2/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch NK hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm, một số nhóm hàng XK giảm đáng kể như: thủy sản, hạt điều, cà phê, gạo, cao su… có mức giảm 2 con số. Riêng thủy sản giảm khoảng 30% do nhu cầu tại một số thị trường chính là Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật… suy yếu. Một số mặt hàng như phân bón, chất dẻo, thức ăn gia súc, sản phẩm gỗ cũng như dệt may hay da giầy... cũng giảm trên 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hiện hoạt động XK của ngành gỗ đang rất khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn do đơn hàng sụt giảm.

Với DN dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, đa số các đơn vị may hiện mới có đơn hàng hết tháng 2/2023. Đơn hàng các tháng sau rất thấp, có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn…

Nâng cao chất lượng hàng hóa, khai thác thị trường tiềm năng

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua kim ngạch XK 2 tháng đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, hoạt động ngoại thương bị ảnh hưởng rất mạnh do tổng cầu thế giới và các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam suy giảm.

Để hạn chế những tác động bất lợi, ông Lâm khuyến nghị DN trong nước cần thực hiện các giải pháp để thúc đẩy XK, trong đó có việc đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường mới.

Gợi ý về giải pháp thúc đẩy XK cho DN, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng là câu chuyện chất lượng sản phẩm. Theo ông Diên, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn với việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng không ít sản phẩm của khu vực nông, lâm, thủy sản chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn nên phần lớn XK tiểu ngạch. Trong khi đó, để XK được thì hàng hóa phải bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường NK.

“Chúng ta đề cập nhiều đến XK chính ngạch, song nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn sản xuất hàng hóa theo thế mạnh của địa phương, theo tập quán, thói quen nên nhiều sản phẩm không kiểm soát được chất lượng”, Bộ trưởng Bộ Công Thương phân tích. Ông Diên cho rằng, nếu doanh nghiệp không ý thức được điều này thì nguy cơ không còn chỗ đứng trong thị trường các FTA là có thể xảy ra.

Cùng với câu chuyện chất lượng sản phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng nêu thực tế, do thị trường khó khăn, nhiều hàng rào kỹ thuật trong thương mại nội khối các FTA đã và đang xuất hiện gây ra không ít thách thức với hàng XK của Việt Nam. Trong khi đó, tình hình kinh tế chính trị thế giới vẫn phức tạp, khó đoán định… đòi hỏi cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải nhận biết và có giải pháp phù hợp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các thương vụ Việt Nam tập trung thực hiện giải pháp để bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp XK như: tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường XK, tìm kiếm những thị trường mới; tạo lập cơ sở dữ liệu trong từng ngành hàng, dự án để phục vụ cho hợp tác đầu tư, kinh doanh…

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường, Vinatex đã có những giải pháp để ứng phó với tình hình, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm. Theo đó, Vinatex đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim nhằm giúp các đơn vị sản xuất vải và may trong Tập đoàn chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, gia tăng giá trị cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi. Đồng thời, bám sát thị trường, khách hàng và kế hoạch sản xuất nhằm ra quyết định nhanh trong việc nhận đơn hàng và chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu thị trường trong điều kiện phù hợp với nguồn lực sản xuất của doanh nghiệp…

Tin cùng chuyên mục