Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020. Ảnh: Quốc Hùng |
Gỡ “nút thắt” tín dụng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Theo Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, trong tháng 12/2019, doanh nghiệp dự án và nhóm ngân hàng sắp xếp vốn cho Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) làm đầu mối sẽ cùng ký lại hợp đồng tín dụng cho dự án BOT này. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, đến nay, những khó khăn, vướng mắc, nhất là nguồn vốn tín dụng và vốn nhà nước hỗ trợ tại Dự án dần được tháo gỡ, chủ đầu tư đang tập trung chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh thi công để hoàn thành Dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện công trường Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được triển khai thi công trở lại. Các nhà thầu tích cực huy động trang thiết bị, nhân lực nhằm phục vụ việc thi công các hạng mục đang dở dang.
Trước đó, ngày 3/12/2019, Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp cho dự án này.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chị Đinh Thị Diễm, một người dân của TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), địa phương “cửa ngõ” đón đầu Dự án, phấn khởi bày tỏ: “Dự án sớm hoàn thành ngày nào là người dân miền Tây chúng tôi náo nức mong chờ ngày đó. Nay đi qua công trường thấy không khí thi công tấp nập, thực lòng người dân chúng tôi rất vui”.
Nguồn vốn ngân sách nhà nước được cấp về đúng thời điểm “giáp hạt” đã xốc lại tinh thần cho các nhà thầu đang miệt mài trên công trường này. Đại diện Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định, với việc phân bổ nguồn vốn đợt này, chủ đầu tư đã tổ chức lập lại tiến độ thi công, giữ nguyên mốc hoàn thành Dự án vào quý II/2021, điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020. Chủ đầu tư cùng các nhà thầu sẽ huy động tối đa nhân lực, vật tư, thiết bị thi công 3 ca, không nghỉ ngày lễ, Tết.
Thực tế, khối lượng thi công của Dự án hiện đã đạt 27%, tiến triển nhiều so với 10 năm đắp chiếu đằng đẵng trước đây. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn rất lớn và cần sự đồng thuận, sẻ chia từ các cấp, ngành liên quan.
Hiện các ngân hàng đã hoàn thiện các bước rà soát lại điều kiện giải ngân và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp so với yêu cầu của ngân hàng nhằm hoàn thiện các khâu cuối cùng đi tới việc tái ký hợp đồng tín dụng.
Hai dự án metro có chuyển động
Nếu như người miền Tây đang náo nức với các tín hiệu tích cực của Dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thì tại TP.HCM, HĐND Thành phố đã thông qua hai nghị quyết để sắp xếp nguồn vốn thực hiện hai đại dự án giao thông là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Hai dự án này vừa được UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Trong đó, điều chỉnh mức đầu tư tuyến metro số 1 từ hơn 47.000 tỷ đồng còn khoảng 43.600 tỷ đồng, giảm 3.400 tỷ đồng sau khi rà soát lại các hạng mục. Hiện tiến độ Dự án đạt trên 75% kế hoạch tổng thể.
Tại các gói thầu như thi công ga Nhà hát Thành phố, đường trên cao và depot..., các nhà thầu đang tập trung nhân lực thi công các hạng mục cơ điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy và công tác hoàn thiện. Tại Gói thầu Thi công nhà ga Bến Thành, hàng trăm công nhân của Cienco 4 đang miệt mài thi công ngày đêm phần kết cấu sàn đáy, sàn mái các tầng.
Còn tuyến metro số 2 cũng vừa được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 48.000 tỷ đồng. Hiện tuyến này chỉ mới xây dựng tòa nhà điều hành và phải xin lùi thời gian hoàn thành từ năm 2024 sang năm 2026.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, hiện các nhà tài trợ cho các dự án rất sốt ruột với tiến độ thực hiện. Trong 4 ngày, từ 3/12 đến 6/12/2019 đã diễn ra đợt kiểm tra tình hình thực hiện Dự án Tuyến metro số 2 do các nhà tài trợ tiến hành, gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Các bên đã thảo luận các nội dung liên quan đến Dự án như: tài chính; vấn đề xã hội và môi trường; đấu thầu; tiến độ; tư vấn... Sau khi thống nhất nội dung, các nhà tài trợ cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị có buổi làm việc với UBND TP.HCM nhằm có những biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, cụ thể là chủ động trong sắp xếp tài chính cho Dự án.