Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tham gia thi công nhiều công trình giao thông lớn của đất nước (ảnh: Internet) |
Cụ thể là ở những dự án đã hoàn thành, bàn giao, hết bảo hành nhưng chưa được bố trí vốn để thanh toán, trong khi doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng, trả lãi vay, nguồn lực của doanh nghiệp ngày càng bị giảm sút và đến thời điểm nào đó sẽ dừng hoạt động...
Bên cạnh đó là công tác điều chỉnh giá hoặc điều chỉnh không sát với thực tế dẫn đến rủi ro đẩy về phía doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp xây dựng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này.
Chính vì vậy, trong Báo cáo gửi Hội nghị “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội” dự kiến diễn ra vào ngày 24/3, Tổng công ty kiến nghị Chính phủ có cơ chế chính sách gỡ “nút thắt” kịp thời thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp.
Tổng công ty cũng đề nghị Chính phủ xem xét định hướng lựa chọn từ một đến hai doanh nghiệp quân đội mạnh làm nòng cốt để đầu tư xây dựng (vốn và thiết bị) và hỗ trợ chế độ chính sách đặc thù khi tham gia xây dựng công trình trọng điểm của đất nước, là đầu tàu để lan tỏa và phát triển lĩnh vực xây dựng của quốc gia, các công trình có tính nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng của đất nước…
Thời gian qua, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia, công trình tại các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, công trình quốc phòng như: Thủy điện Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu; đường cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên, Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ1A, Quốc lộ 3, Quốc lộ 5, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông… Qua đó, Tổng công ty khẳng định, đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thi công xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, các công trình dự án lớn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.