Tài xế tranh cãi với nhân viên BOT Cai Lậy về giá vé qua trạm thu phí tháng 8/2017. |
Ngày 15/1, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay, cấp có thẩm quyền đã chấp thuận chủ trương giữ nguyên trạm BOT Cai Lậy như hiện nay, đồng thời giảm mức phí cho phương tiện đi qua trạm.
Cụ thể, mức phí xe loại 1 (với xe con dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) từ 35.000 đồng sẽ giảm còn 15.000 đồng; các loại xe khác cũng giảm tương ứng; miễn giảm phí cho người dân địa phương ở bán kính 10 km quanh trạm thu phí, thay vì 4 km như trước. Với phương án giảm phí, dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 sẽ kéo dài thời gian thu phí từ 7 năm lên 13 năm.
Ông Huyện nói, Bộ Giao thông được giao làm việc với tỉnh Tiền Giang về phương án thu phí cụ thể và các biện pháp bảo vệ an ninh trật tự. Dự kiến cuộc làm việc này sẽ diễn ra sau Tết nguyên đán, sau đó chủ đầu tư tiến hành thu phí tại trạm BOT Cai Lậy.
Theo ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy, doanh nghiệp đang chờ Bộ Giao thông thông báo cho thu phí trở lại và sẽ thực hiện theo quy định.
Trước đó tại cuộc họp báo chiều 3/4/2018, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã trình Chính phủ 5 phương án khác nhau cho trạm BOT Cai Lậy, có phân tích những ưu điểm và hạn chế của từng phương án, lượng hoá giá trị, thời gian thu phí bao lâu...
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông lựa chọn một trong hai phương án Bộ đã trình. Thứ nhất, giữ nguyên trạm hiện tại và giảm mức thu như nội dung nêu trên.
Phương án hai, đặt thêm một trạm nữa trên tuyến tránh, thu phí cả hai trạm; khi hoàn vốn phần tiền đã đầu tư cho trạm trên quốc lộ 1 thì dỡ trạm, hoàn vốn của tuyến tránh thì kết thúc toàn bộ dự án.
Dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5 km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, phần tuyến tránh dài 12 km. Các cơ quan chức năng đã cho phép chủ đầu tư đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 để thu phí cho cả hai tuyến đường.
Khi đi vào hoạt động từ 1/8/2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối việc thu phí và cho rằng trạm BOT đặt không hợp lý, yêu cầu di dời về tuyến tránh nên chủ đầu tư phải liên tục thu, xả trạm. Từ ngày 14/12/2017, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ Giao thông trình phương án xử lý.