Nhiều dự án nhà ở thuộc phân khúc cao cấp trên địa bàn TP.HCM đang bị cầm cố. Ảnh: Lê Tiên |
Khách hàng hoang mang
Theo danh sách công bố nói trên, tính đến ngày 8/6/2016 có 77 dự án nhà ở trên địa bàn TP.HCM được các chủ đầu tư đem “cắm” ở ngân hàng. Tất cả các dự án này được các chủ đầu tư thế chấp trong giai đoạn từ 2010 đến nay, trong đó đa số tập trung vào thời điểm 2014 - 2016.
Điều đáng lưu ý là, trong số các dự án đem thế chấp để vay, xuất hiện rất nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư Thảo Điền thế chấp Dự án Masteri ở 159 Xa lộ Hà Nội, quận 2; Công ty Liên doanh TNHH Capitaland - Vista thế chấp Dự án The Vista ở 628C Xa lộ Hà Nội, quận 2; Công ty CP Địa ốc Sacom thế chấp khu căn hộ Hoàng Anh Riverview ở số 37 Nguyễn Văn Hưởng, quận 2; Công ty TNHH Liên doanh đem dự án thế chấp để vay tiền Phú Mỹ Hưng, thế chấp Dự án Phú Mỹ Hưng ở quận 7.
Những tên tuổi khác được khách hàng lâu nay tín nhiệm cũng đem dự án thế chấp để vay tiền. Cụ thể, Công ty CP Him Lam cầm cố Dự án Chung cư Him Lam Riverside Lô A3 ở quận 7; Sacomreal đem “cắm” chung cư tại thửa 450, 452 tờ 11, 12 ở phường Phú Thuận, quận 7; Công ty CP Tập đoàn SSG thế chấp Dự án Saigon Pearl giai đoạn 3A ở số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh…
Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, 77 dự án nói trên tập trung ở mọi phân khúc, trong đó có nhiều dự án thuộc phân khúc khá và cao cấp. Trong số đó, có nhiều trường hợp khách hàng mua nhà hoặc căn hộ, chờ mãi nhưng chủ đầu tư không “cấp sổ hồng” cho họ. “Cháy nhà mới ra mặt chuột, chúng tôi rất thất vọng khi biết tin dự án căn hộ của mình mua bị chủ đầu tư đem đi cầm cố ngân hàng và không biết số phận ngôi nhà của mình như thế nào”, một khách hàng bức xúc.
Chủ đầu tư lo lắng
Sỡ dĩ có việc làm quyết liệt trên là vì trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai cũng như UBND TP.HCM đã có công văn chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM về việc rà soát tình hình thực hiện các dự án xây dựng nhà ở trên địa bàn Thành phố. Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, từ nay, việc công bố thông tin các dự án có thế chấp sẽ thực hiện ở 3 nơi, đó là: Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM và trụ sở phường, xã có dự án thế chấp.
Bình luận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, việc minh bạch thông tin đối với các dự án bất động sản là vô cùng cần thiết, vừa có lợi cho người tiêu dùng, đồng thời vừa có lợi cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp biết thượng tôn pháp luật, trừ những trường hợp làm ăn chụp giật, lập lờ đánh lận con đen. Những ảnh hưởng về thị trường sau đợt công bố này chắc chắn là có, nhưng nếu danh mục dự án trên được công bố một cách đầy đủ, tức lấy 77 dự án đang thế chấp so với 500 dự án đang triển khai, cho thấy phần lớn dự án không thế chấp, đây lại là một tín hiệu khá tích cực.
Tuy nhiên, việc công khai thông tin vừa rồi, có những dự án ghi rất rõ những phần thế chấp, nhưng cũng có những dự án chỉ ghi chung chung, khiến khách hàng thiếu an tâm. Mà mỗi khi người tiêu dùng băn khoăn thì rõ ràng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường. “Dự án bị thế chấp nhưng vẫn có thể bán cho người tiêu dùng, dĩ nhiên chỉ với điều kiện phải có văn bản đồng ý của ngân hàng nhận thế chấp. Việc thế chấp cũng không đồng nghĩa là dự án đó xấu hay chủ đầu tư thiếu năng lực, vấn đề còn phụ thuộc vào mục đích của bên đem đi thế chấp” - ông Châu chia sẻ.
Một nguồn tin riêng của Báo Đấu thầu cho hay, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM sẽ tiếp tục công bố công khai các dự án cầm cố ngân hàng cho người dân biết.