Hai tháng đầu năm TP.HCM đã cấp mới 90 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 155,9 triệu USD. Ảnh: Tất Tiên |
Đổi mới cách xúc tiến đầu tư
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, tính chung cả tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn, TP.HCM đã thu hút được 231,6 triệu USD. Điều đáng lưu ý, ngoài 78,8 triệu USD điều chỉnh tăng vốn của 25 dự án ra, TP.HCM đã cấp mới 90 dự án với vốn đầu tư 155,9 triệu USD, tăng đến 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy hoạt động thu hút FDI có nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng chính quyền TP.HCM vẫn xác định đổi mới phương thức thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Theo đó, ngoài xúc tiến đầu tư tại chỗ và thường xuyên đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, TP.HCM sẽ xây dựng chính sách thích hợp để khuyến khích thu hút FDI vào 9 nhóm ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng điểm mà Thành phố đang ưu tiên phát triển.
Cụ thể, ở nhóm ngành dịch vụ gồm có: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại, du lịch; dịch vụ vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản, bất động sản; dịch vụ tư vấn, khoa học, công nghệ; y tế; giáo dục. Bốn ngành nghề trọng điểm là: cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; hóa dược, cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm.
Trong năm 2016, quan điểm của TP.HCM là định hướng thu hút FDI từ các nước Mỹ, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Riêng đối với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Thành phố sẽ đưa ra nhiều giải pháp để chào đón sau 2 năm có chiều hướng chững lại. Một nguồn tin khác cho biết, dự kiến trong năm nay, Thành phố sẽ hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng từ tiền ngân sách để tổ chức khoảng 108 hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư.
Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ
Một khảo sát mới nhất của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, FDI của Nhật Bản vào Viêt Nam có chiều hướng giảm trong 2 năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc về việc mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, dĩ nhiên TP.HCM cũng nằm trong “tầm ngắm” đó. Điều đáng lưu ý, hiện có 63,3% công ty Nhật Bản đánh giá, pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu minh bạch các thủ tục hành chính là những trở ngại lớn nhất trong việc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
UBND TP.HCM cho biết, tới đây Thành phố sẽ thành lập cơ quan một cửa dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản (Japan Desk). Mục đích của việc làm này là nhằm hỗ trợ thông tin tối đa cho nhà đầu tư Nhật Bản muốn đầu tư vào Thành phố trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Đây là một động thái rất cầu thị của TP.HCM mà không phải địa phương nào cũng làm được.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án FDI được cấp phép mới. Trong đó, vốn FDI của TP.HCM đạt 155,9 triệu USD, chiếm 8,2%, tương đương với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đứng sau các địa phương là Hà Nội với 242,4 triệu USD, chiếm 12,7%; Bắc Giang 206,1 triệu USD, chiếm 10,8%; Bắc Ninh 200,6 triệu USD, chiếm 10,5%. Tuy còn quá sớm để đưa ra bình luận, nhưng có lẽ những nỗ lực của TP.HCM sẽ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
“Về phía chính quyền, năm 2016, TP.HCM sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức”, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết và khuyến nghị các doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, hợp tác, nhất là giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để cùng nhau trao đổi, nâng cao trình độ kỹ thuật, quản lý, củng cố thị trường trong nước và từng bước mở rộng thị trường ra ngoài nước.