Ảnh minh họa. |
Từ một đề án bế tắc hàng chục năm, thông qua đấu giá lựa chọn doanh nghiệp cung cấp, TP.HCM đang từng bước khai thác hiệu quả của việc quảng cáo trên xe buýt.
Thành công ngoài mong đợi nhờ đấu giá
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa có đề xuất mạnh dạn triển khai rộng rãi dịch vụ quảng cáo trên thân xe buýt. Theo chia sẻ của lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, có rất nhiều tín hiệu khả quan để đẩy mạnh tổ chức đấu giá toàn bộ dịch vụ quảng cáo trên thân xe buýt, cả trợ giá và không trợ giá. Báo cáo mới nhất của cơ quan này cho thấy, đã thu về hơn 14,6 tỷ đồng sau 8 tháng thực hiện thí điểm quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt với 171 phương tiện. Theo tính toán của Sở GTVT TP.HCM, nếu triển khai đồng bộ, việc khai thác quảng cáo trên xe buýt sẽ giúp ngân sách thu trung bình mỗi năm gần 200 tỷ đồng.
Hiện Công ty TNHH Koa-Sha Việt Nam là đơn vị đang triển khai thí điểm quảng cáo trên 10 tuyến xe buýt nói trên. Tính đến tháng 10/2016, đơn vị này đã ký kết với 27 công ty, thương hiệu có nhu cầu quảng cáo trên thân xe buýt nằm trong chương trình thí điểm. Trong đó, tỷ lệ quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước đạt cao nhất (44%) và tiếp theo là doanh nghiệp Nhật Bản (33%). Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Koa-Sha Việt Nam cho biết, đây thực sự là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn, có doanh thu ổn định, tích cực. “Sau Hà Nội, TP.HCM đang triển khai tốt dịch vụ này và đem lại niềm tin cho doanh nghiệp quảng cáo trên xe buýt”, đại diện Koa-Sha Việt Nam chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến các sản phẩm quảng cáo trên xe buýt. Đây thực sự là một sân chơi cạnh tranh rất gay cấn giữa các DN quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời, đại diện trung tâm này cho biết.
Giảm gánh nặng trợ giá xe buýt
Đề án này được manh nha từ lâu và gặp không ít khó khăn vì nhiều rào cản. Tuy nhiên, đầu năm 2016, khi việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo được TP.HCM chính thức giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản với tiêu chí phải thông qua đấu giá cạnh tranh mới thấy được hiệu quả. Do đó, từ chỗ phải mất 10 năm mới đưa Đề án vào triển khai, TP.HCM chỉ mất 8 tháng để có đề xuất nhân rộng mô hình này trên toàn hệ thống.
Nếu đề xuất của Sở GTVT được UBND TP.HCM thông qua, dự kiến sẽ có 3 nhóm phương tiện triển khai quảng cáo. Trong đó, có nhóm 1 là loại xe 40 chỗ; nhóm 2 là loại 55 chỗ và 60 chỗ; nhóm 3 là loại 80 chỗ. Nguồn thu từ quảng cáo trên thân các xe buýt có trợ giá sau khi trừ chi phí tư vấn đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Thành phố. Riêng đối với các tuyến xe không trợ giá, nguồn thu từ quảng cáo, chủ phương tiện sẽ được hưởng trọn vẹn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải có thu nhập bổ sung để sửa chữa phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị này được giao nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND Thành phố quyết định cho phép triển khai mở rộng quảng cáo trên toàn bộ các tuyến xe buýt. “Thành phố yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện và tìm biện pháp để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đấu giá. Thực hiện đồng bộ trong công tác đấu giá chọn đơn vị trúng đấu giá khai thác quảng cáo đối với toàn bộ các xe buýt có trợ giá và không trợ giá. Như vậy, các cuộc đấu giá tìm doanh nghiệp khai thác quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM sẽ cực kỳ sôi động và gay cấn”, đại diện Sở GTVT TP.HCM chia sẻ.