Ảnh minh họa. |
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị chức năng cần thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về PCCC trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện việc cam kết đảm bảo an toàn về PCCC trong kinh doanh, sản xuất và chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ tại cơ sở;
Đồng thời, củng cố lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở; quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị đồng bộ các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và duy trì, đảm bảo tốt các điều kiện giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy…
Sở Xây dựng TP.HCM được giao phối hợp với UBND các quận, huyện nghiên cứu các giải pháp an toàn PCCC đối với nhà ở, công trình hiện hữu; quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, không để xảy ra tình trạng chiếm dụng, lấn chiếm hành lang an toàn về PCCC, lối thoát nạn, đường giao thông phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cần quản lý người lao động làm việc trong lĩnh vực hàn hơi, hàn điện tại các doanh nghiệp, công trình xây dựng, đặc biệt là các thợ hàn trong các cơ sở hàn cắt nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư; tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở có sử dụng thiết bị hàn hơi, hàn điện và hoạt động hàn, cắt kim loại; kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn PCCC và an toàn lao động.
Ngoài ra, UBND quận, huyện cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa cháy nổ ở khu dân cư, hộ kinh doanh, sản xuất kết hợp nhà ở trên địa bàn; xây dựng phong trào toàn dân PCCC, vận động khuyến khích người dân tình nguyện tham gia công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các điển hình tiên tiến theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư an toàn PCCC; phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong lĩnh vực này; tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, hướng dẫn an toàn PCCC trong các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ kinh doanh, sản xuất cá thể.