TP.HCM tăng kế hoạch vốn 2023 gần 20.000 tỷ đồng: Cơ hội cho nhiều dự án chuyển tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - HĐND TP.HCM vừa thông qua đề xuất tăng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của Thành phố thêm 19.770,39 tỷ đồng. Trong đó, có 27 dự án thuộc danh mục dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư 15.543,603 tỷ đồng. Đây là những dự án cấp bách, cần thiết đầu tư từ giai đoạn trước nhưng do chưa thể bố trí được nguồn vốn nên đến nay TP.HCM mới có thể triển khai.
Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp sắp được triển khai. Ảnh: Minh Quân
Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp sắp được triển khai. Ảnh: Minh Quân

Điển hình là Dự án Nâng cấp mở rộng đường TX25 Quận 12 (tổng mức đầu tư 490 tỷ đồng, giai đoạn triển khai là 2018 - 2022). Theo UBND Quận 12, tuyến đường TX25 là huyết mạch kết nối lưu thông giữa TP.HCM và TP. Thủ Đức - Bình Dương nhưng đã xuống cấp, quá tải và thường xuyên trong tình trạng kẹt xe từ nhiều năm nay. Dự án đã có trong danh mục dự án cần thiết phải triển khai trong giai đoạn trước nhưng TP.HCM chưa bố trí được vốn nên chưa thể khởi động. Quận 12 hiện gia tăng dân số cơ học rất lớn, lại là cửa ngõ của TP.HCM nên nhu cầu đầu tư Dự án trở nên vô cùng bức thiết.

Tiếp đến là Dự án Xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ để thực hiện đầu tư xây dựng cụm trường học công lập theo tiêu chuẩn quốc gia tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình (tổng mức đầu tư hơn 690 tỷ đồng, giai đoạn triển khai 2020 - 2025); Dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho Dự án Cải tạo rạch Bà Tiếng trên địa bàn quận Bình Tân (tổng mức đầu tư hơn 482 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2025)…

Cũng trong danh mục 27 dự án chuyển tiếp, có một số dự án trọng điểm đã bị lùi thời điểm triển khai nhiều lần. Cụ thể, Dự án Phát triển mạng cấp 1 tuyến Nguyễn Cửu Phú, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh (Võ Văn Ngân - Nguyễn Văn Linh) do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn làm chủ đầu tư với kinh phí 923,872 tỷ đồng. Đây là dự án đã được Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn chuẩn bị từ năm 2016. Thậm chí, có dự án đã được chuẩn bị từ gần 20 năm trước như Dự án Bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất xây dựng Công viên Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn là Chủ đầu tư. Dự án này triển khai từ năm 2006, với tổng mức đầu tư dự kiến 623 tỷ đồng.

Dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất trong danh mục dự án chuyển tiếp của TP.HCM chính là Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp. Dự án có tổng mức đầu tư 9.664,385 tỷ đồng và cũng có thời gian chờ đợi xấp xỉ 20 năm do... thiếu vốn. Do chậm trễ triển khai, rạch Xuyên Tâm đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thành phố vì ô nhiễm, tắc nghẽn dòng chảy nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, cả 27 dự án chuyển tiếp này đều được đánh là vô cùng cấp bách, dù đã có trong danh mục, kế hoạch đầu tư công của các giai đoạn trước nhưng do nhiều khó khăn về kinh phí, chưa thể triển khai đồng bộ. Do đó, giai đoạn hiện nay, Thành phố quyết tâm triển khai nhanh chóng các dự án này để phát huy sớm nhất hiệu quả đầu tư, cải thiện bộ mặt đô thị. “Thành phố chỉ ghi vốn cho những dự án thật sự cấp bách, bảo đảm đủ các thủ tục, pháp lý, tránh bố trí dàn trải cho các dự án chưa thực sự cần thiết gây mất cân đối”, lãnh đạo TP.HCM khẳng định.

Quyết tâm này của TP.HCM đã được quán triệt tới từng ban, ngành, các đơn vị đang rốt ráo chuẩn bị công tác đầu tư. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Chủ đầu tư), Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp đã sẵn sàng để công bố các gói thầu xây lắp lớn trong năm 2024. Đến nay, Gói thầu Đo đạc, lập bản vẽ hiện trạng nhà - đất phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu. Các công tác thiết kế; khảo sát xây dựng; dự toán chi phí giai đoạn chuẩn bị đầu tư; kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã hoàn tất, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP.HCM ưu tiên cho các dự án chuyển tiếp có tính khả thi hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 mà trước đây bị chậm do khó khăn về vốn, Thành phố đã tạm giãn tiến độ, phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn. Việc bố trí vốn được thực hiện khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 cho phép HĐND TP.HCM được sử dụng ngân sách địa phương để triển khai các dự án trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục