Trong điều hành tỷ giá, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tính tới yếu tố Fed tăng lãi suất cũng như sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ.
Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hàng ngày cho thấy cơ quan quản lý chủ động những nét vẽ riêng cho mối quan hệ của tiền đồng và đô la Mỹ. Ngày 2-1-2017, tỷ giá trung tâm là 22.159 đồng/đô la Mỹ; ngày 14-3-2017 là 22.262 đồng/đô la Mỹ, tức tăng 103 đồng/đô la Mỹ tương đương tăng 0,465%. Trong khi đó, giá đô la Mỹ niêm yết chuyển khoản bán ra ngày 14-3-2017 của Vietcombank là 22.850 đồng/đô la Mỹ, tăng 60 đồng/đô la Mỹ từ mức 22.790 đồng/đô la Mỹ của ngày 2-1-2017. Như vây tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại thậm chí còn biến động ít hơn tỷ giá trung tâm.
Thực tế từ đầu năm đến nay NHNN đã có một số thời điểm bán ra đô la Mỹ để cân bằng cung cầu thị trường nhưng về tổng thể lượng ngoại tệ cơ quan quản lý mua vào vẫn cao hơn lượng bán ra, cho thấy nguồn cung ngoại tệ vẫn đang dồi dào hơn cầu.
Giả sử hết quí 1-2017 tỷ giá trung tâm tăng khoảng 0,5% so với cuối năm ngoái và cả năm nay tiền đồng mất giá chừng 2% so với đô la Mỹ, thì đấy là điều thị trường có thể chấp nhận được và tương đối hợp lý dựa trên nền tảng sự biến động của tỷ giá giữa các ngoại tệ mạnh thế giới và luồng ngoại tệ ra vào thị trường trong nước.
Tuy nhiên điều đáng chú ý khi Fed tăng lãi suất lại không nằm ở tỷ giá hối đoái, mà ở giá hàng hóa nguyên liệu bởi nền kinh tế nước ta chịu tác động lớn của giá hàng hóa. Chúng ta xuất khẩu nhiều nguyên liệu thô và nhập khẩu thành phẩm vốn cũng nằm trong tầm ảnh hưởng của giá nguyên liệu hàng hóa.
Giá dầu thô đã giảm hơn 12% trong vòng hai tuần qua từ 54 đô la Mỹ/thùng về gần 47 đô la Mỹ/thùng cho dù việc cắt giảm sản lượng khai thác của các thành viên APEC vẫn còn nguyên giá trị. Đồng đô la Mỹ mạnh lên đã khiến cho giá dầu trở nên đắt đỏ và các giàn khoan dầu ở Mỹ hoạt động mạnh trở lại. Dù muốn hay không giá xăng dầu bán lẻ trong nước tới đây cũng sẽ phải giảm theo và tác động tích cực đến chỉ số CPI của tháng 3, tháng 4-2017. Chỉ cần áp lực lạm phát bớt đi, áp lực tăng lãi suất cũng sẽ giảm và tín dụng có khả năng tăng trưởng, đồng thời vốn huy động tiền đồng của ngân hàng có thể tốt hơn. NHNN luôn cân nhắc giữa hai yếu tố tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Một khi lạm phát dịu đi, ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế sẽ được trợ lực.
So với giá dầu thô, giá vàng quốc tế giảm chậm hơn trong thời gian trên từ 1.260 đô la Mỹ/ounce về 1.205 đô la Mỹ/ounce, giảm khoảng 4,4%. Giá vàng trong nước dao động trong biên độ hẹp và nhu cầu mua bán vàng nhìn chung rất yếu.
Thị trường chứng khoán ghi nhận thường trước và sau các lần Fed điều chỉnh lãi suất, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có dấu hiệu rút ra, nhất là từ các quỹ ETFs. Không chỉ ở các thị trường cận biên, nước ngoài đã và đang tiếp tục rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi và chuyển vốn trở lại các thị trường Mỹ, châu Âu. Thị trường chứng khoán Việt Nam rất nhỏ và gần như nằm ngoài vùng phủ sóng của sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu. Dẫu thế nó cũng ít nhiều ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào Việt Nam và có thể ảnh hưởng cả đến những đợt thoái vốn nhà nước ở một số doanh nghiệp. Cho đến nay việc thoái vốn nhà nước tiếp theo tại Vinamilk, Sabeco, Habeco hay Vietnam Airlines, Tổng công ty Cảng hàng không ACV, Tổng công ty Xăng dầu Petrolimex chưa thấy được nhắc đến.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), từ đầu năm đến nay trên Hose, nhà đầu tư nước ngoài mua vào tổng cộng (đến ngày 14-3-2017) 18.194 tỉ đồng và bán ra 16.605 tỉ đồng, ghi nhận mức mua ròng 1.589 tỉ đồng. Việc mua ròng của họ tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn mới niêm yết và họ bán ra những cổ phiếu đã nắm giữ lâu năm như VIC, MSN, VNM, GAS. Việc giá dầu giảm đã kích hoạt tần suất bán ra các cổ phiếu dầu khí của khối ngoại.
Chứng khoán nhạy cảm với tỷ giá. Những thời điểm tiền đồng biến động mạnh so với đô la Mỹ, VN-Index thường xuyên lâm vào sắc đỏ. Năm nay nếu tỷ giá bình yên như hai tháng rưỡi qua thì cơ hội cho chứng khoán sẽ còn rộng mở.