Ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác lập quy hoạch tỉnh trong hệ thống quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang bước vào giai đoạn “nước rút” nhưng tiến độ vẫn chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có văn bản đề nghị các địa phương tập trung, ưu tiên nguồn lực cho công tác này, nhiều quy hoạch tỉnh liên tiếp được thẩm định để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng, đảm bảo đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bối cảnh lập quy hoạch tỉnh có nhiều thuận lợi nhưng tiến độ còn chậm.Ảnh: Lê Tiên
Bối cảnh lập quy hoạch tỉnh có nhiều thuận lợi nhưng tiến độ còn chậm.Ảnh: Lê Tiên

Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh vừa tổ chức phiên họp thẩm định đối với Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh nhấn mạnh, đây là bản quy hoạch tỉnh thứ 16 được Hội đồng tổ chức họp thẩm định. Thứ trưởng đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái và sự phối hợp có hiệu quả giữa UBND Tỉnh và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

Cập nhật tiến độ chung từ Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh, trong tháng 11/2022, Hội đồng đã liên tiếp tổ chức các phiên họp thẩm định quy hoạch các tỉnh: Phú Thọ, Hậu Giang, Trà Vinh, Bình Phước, An Giang, Lai Châu, Bắc Kạn. Tháng 12/2022 tổ chức thẩm định quy hoạch các tỉnh: Sóc Trăng, Yên Bái, TP. Đà Nẵng (dự kiến ngày 27/12/2022).

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 nói chung, quy hoạch tỉnh nói riêng cần nhận diện các yếu tố mới, trong điều kiện, hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức. Từ bối cảnh mới, cần nhận ra đâu là cơ hội, đâu là thách thức mới, sẵn sàng ứng phó vượt qua các thách thức, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Thực tế, bối cảnh lập quy hoạch tỉnh có những thuận lợi nền tảng về pháp lý như: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; có Luật Quy hoạch, một số nghị định, văn bản hướng dẫn; 5 quy hoạch cấp quốc gia và đặc biệt là quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 2 quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo Kế hoạch và tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022, đối với các quy hoạch tỉnh, có 58/62 quy hoạch tỉnh (ngoài Quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã được phê duyệt từ ngày 17/2/2022) phải hoàn thành phê duyệt quy hoạch vào tháng 12/2022. 4 quy hoạch tỉnh còn lại (Quy hoạch TP.HCM, Quy hoạch TP. Hà Nội, Quy hoạch tỉnh Đồng Nai, Quy hoạch tỉnh Bình Dương) có tiến độ thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt trong năm 2023.

Kết quả triển khai lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỉnh hiện vẫn chậm so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân chủ yếu do đây là nhiệm vụ mới, khó khăn, phức tạp, mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, nhiều nơi, nhiều lúc công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về trình độ, năng lực nên chưa đáp ứng được yêu cầu; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế, nhất là việc cho ý kiến về quy hoạch trong giai đoạn lấy ý kiến, tổ chức thẩm định và trình phê duyệt, chất lượng còn hạn chế; việc hoàn thiện hồ sơ quy hoạch sau khi được thẩm định còn nhiều khó khăn, các địa phương rất lúng túng khi điều chỉnh, bố trí không gian phát triển theo quy hoạch để phù hợp với chỉ tiêu phân bổ sử dụng đất…

Để đảm bảo tiến độ, Bộ KH&ĐT đã có văn bản “đốc thúc” từ 1 tháng trước. Theo đó, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả cơ quan lập quy hoạch và các cơ quan, đơn vị liên quan ưu tiên nguồn lực cho công tác lập quy hoạch tỉnh; tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành trong việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh.

Tin cùng chuyên mục