Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: GDP năm 2017 có khả năng đạt 6,7%

(BĐT) - Sáng 10/10/2016, tại Hà Nội, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) tổ chức Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính 2016 nhằm cung cấp bức tranh tài chính năm 2016, một số dự báo và kiến nghị chính sách cho năm 2017.
Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính 2016      Ảnh: Cao Dung
Hội thảo Tổng quan thị trường tài chính 2016 Ảnh: Cao Dung

Các phân tích, đánh giá của NFSC chủ yếu dựa trên Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2016 mà Ủy ban dự kiến công bố cuối tháng 11.

Nền tảng kinh tế vĩ mô 2016 được duy trì

Theo ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, bất chấp không ít khó khăn thách thức, nền tảng kinh tế vĩ mô năm 2016 tiếp tục được duy trì và củng cố. Nguyên nhân chủ yếu khiến lạm phát năm 2016 cao hơn năm 2015 là do giá dịch vụ công đã được chủ động điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến trình tự do hóa giá cả theo nguyên lý kinh tế thị trường. Nhóm giá dịch vụ y tế, giáo dục đóng góp khoảng 3% trong tổng số 4% lạm phát 10 tháng năm 2016. Trong khi đó, lạm phát cơ bản 2016 dự báo ổn định (dưới 2%) so với năm 2015.

Kinh tế Việt Nam năm 2016 cũng chịu nhiều tác động của kinh tế thế giới, như tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; giá dầu thô và nông sản giảm mạnh; cùng với hạn hán, thiên tai do tác động của biến động khí hậu. Tuy nhiên, trong nước, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt, đồng thời tổng cầu được duy trì, trong đó cầu tiêu dùng khá với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 85,8% GDP so với 77,3% của năm 2015 giúp tăng trưởng chung của nền kinh tế trở lại quỹ đạo kể từ quý III/2016 sau những khó khăn của ngành công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp trong nửa đầu năm.

Ông Đặng Ngọc Tú nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2016 đã được hỗ trợ tích cực từ hệ thống tài chính với tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Thị trường chứng khoán tăng gần 20%, vốn hóa thị trường đạt 38% GDP so với 32,4% năm 2015; đầu tư gián tiếp tăng trên 20%.

NFSC nhận định yếu tố tiền tệ đã được điều hành hợp lý trong năm 2016, không gây áp lực đối với lạm phát trong năm 2017. Chủ tịch NFSC Vũ Viết Ngoạn đánh giá, một trong những điểm sáng trong điều hành chính sách vĩ mô 2016 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt, nhân tố chủ đạo hỗ trợ cho doanh nghiệp, góp phần ổn định thị trường tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo lạm phát ổn định.

Năm 2017 tăng trưởng kinh tế sẽ cải thiện

Ủy ban này dự báo lạm phát năm 2017 theo hai kịch bản ứng với hai khả năng điều chỉnh giá dịch vụ công: không điều chỉnh và điều chỉnh bằng ½ năm 2016. Kịch bản 1: giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục không điều chỉnh tăng, lạm phát sẽ ở mức 3,5%, lạm phát bình quân 2% và lạm phát cơ bản 2%. Kịch bản 2: giá dịch vụ y tế tăng 1,3% và dịch vụ giáo dục tăng 0,3%, lạm phát sẽ ở mức 5%, lạm phát bình quân 2,9% và lạm phát cơ bản 2%.
NFSC dự báo năm 2017, tăng trưởng kinh tế sẽ được cải thiện khá nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân. Nhờ vậy, khu vực này sẽ trở thành động lực chính của tăng trưởng 2017. Trong khi đó, hai ngành nông nghiệp và khai khoáng sẽ thuận lợi hơn trong năm 2017 do giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi. Ủy ban dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 có khả năng đạt mức 6,7%.

Tuy nhiên, NFSC chỉ rõ nền kinh tế trong năm 2017 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trước hết từ môi trường kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định; TPP bị trì hoãn thông qua: giá năng lượng và hàng hóa chủ chốt vẫn còn biến động thất thường; chính sách tiền tệ phi truyền thống của các nền kinh tế lớn còn có thể dẫn đến những diễn biến khó lường đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài;… Trong khi đó, dư địa chính sách hạn hẹp, nhất là trong bối cảnh nợ công tăng nhanh, nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế sẽ là những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực FDI, tiến trình tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực vẫn còn chậm; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi vấn đề nợ xấu, cũng đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2017 và những năm tiếp theo.