Văn hóa - bộ "gene" tạo nên hệ giá trị doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 24/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Văn hóa là bộ "gene" đặc biệt tạo nên hệ giá trị giúp cho doanh nghiệp xác định được phương hướng và có biện pháp, sức mạnh ứng phó hiệu quả trong khủng hoảng
Văn hóa là bộ "gene" đặc biệt tạo nên hệ giá trị giúp cho doanh nghiệp xác định được phương hướng và có biện pháp, sức mạnh ứng phó hiệu quả trong khủng hoảng

Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, văn hoá trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực.

Tổng Bí thư đề nghị cần phát huy cao độ những giá trị văn hoá, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Trong đó, xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong 35 năm đổi mới đất nước, Nhà nước đã quan tâm, tạo cơ chế triển khai chính sách văn hóa trong kinh tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa công sở, văn hóa cơ sở, văn hóa gia đình...

Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong giai đoạn mới, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, một trong những điểm cần tập trung là phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, chú ý đầy đủ yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội, văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ góc độ văn hóa doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, xu thế tất yếu hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển sẽ khiến cho những doanh nghiệp thiếu nền tảng văn hóa nhanh chóng bị đào thải.

Hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Những câu chuyện về doanh nhân lập ra các ATM gạo, ATM thuốc chữa bệnh, ATM oxy… miễn phí, hay những doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận thua lỗ duy trì sản xuất để người lao động có thu nhập nuôi sống gia đình, hay như việc hàng trăm, hàng nghìn công nhân chấp nhận tạm thời làm việc không nhận lương, trụ lại để chung sức cùng người sử dụng lao động giữ cho doanh nghiệp khỏi bị phá sản… là những minh chứng sống động cho hệ giá trị đạo đức kinh doanh, kinh doanh có trách nhiệm, vì cộng đồng.

Theo ông Vinh, văn hóa là bộ "gene" đặc biệt tạo nên hệ giá trị giúp cho doanh nghiệp xác định được phương hướng và có biện pháp, sức mạnh ứng phó hiệu quả trong khủng hoảng, biến cố bất thường để tiếp tục chèo lái đưa doanh nghiệp vượt qua thách thức, đạt đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã xác định: đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân. Từ đó, xây dựng chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước. Không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hóa kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Xây dựng hình ảnh doanh nhân có bản sắc Việt Nam; khuyến khích doanh nhân không ngừng hoàn thiện để trở thành những người có trách nhiệm, có đóng góp cho xã hội và đất nước.

“Không thể có quốc gia giàu mạnh nếu giới doanh nhân, doanh nghiệp không có văn hóa, bản sắc ở tầm cao. Kinh doanh một cách nhân bản hơn với những giá trị chân - thiện - mỹ được cụ thể hóa trong đời sống doanh nghiệp, lựa chọn vun bồi đạo đức kinh doanh, sự tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, với thiên nhiên, môi trường, tôn trọng quá khứ và trách nhiệm với tương lai… Tất cả những điều ấy đã vượt ra khỏi sự bó hẹp của những khái niệm, trở thành dòng chảy nội tại của mỗi doanh nghiệp, thấm nhuần trong ý thức và hành động của mỗi cá nhân, không phân biệt vị trí, việc làm trong doanh nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục