VCCI: Không nên quy định thêm các điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số khi đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện liên quan tới cấp giấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua đấu giá, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc quy định thêm các điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện là không cần thiết, nếu bỏ các điều kiện này đi sẽ giúp tăng thêm các đơn vị tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

VCCI vừa đưa ra một số quan điểm góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, trong đó có vấn đề về điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Tại Dự thảo Luật được Bộ Thông tin và Truyền thông công khai lấy ý kiến, việc cấp giấy phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là 1 trong 3 phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Trong đó, cấp giấy phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ đấu giá theo những tiêu chí về năng lực tài chính, đầu tư và mức trả giá của tổ chức.

Riêng điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điểm, khoản của Điều 19 Luật Tần số vô tuyến điện. Theo đó, sửa đổi, bổ sung điểm b, c, d khoản 2 Điều 19 bao gồm: b) Có giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông; c) Có giấy phép hoạt động báo chí hoặc được quyền phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật; d) Có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi, phù hợp quy hoạch tần số vô tuyến điện hoặc có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 11 của Luật này. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bãi bỏ Khoản 3 Điều 19 (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao).

Theo VCCI, việc đưa ra các điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện nêu trên hướng tới mục tiêu là nhằm loại bỏ một số cá nhân, tổ chức xin giấy phép tần số sau đó không sử dụng, gây lãng phí và cản trở các cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng hiệu quả hơn. Như vậy, các điều kiện này phù hợp với trường hợp cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển nhưng không phù hợp với trường hợp cấp phép thông qua đấu giá.

Trong trường hợp đấu giá, bên tham gia đã phải trả chi phí rất lớn để có được quyền sử dụng tần số. Nếu người trúng đấu giá không sử dụng tần số một cách hiệu quả thì sẽ chịu thua lỗ lớn. Do đó, việc quy định thêm các điều kiện trên dường như không còn cần thiết. Nếu bỏ các điều kiện này đi, có thể sẽ giúp tăng thêm các đơn vị tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn.

VCCI phân tích, biện pháp này cũng tương tự như việc cấp quyền sử dụng đất hiện nay. Nếu doanh nghiệp xin đất không qua đấu giá hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất thì cần phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, mục đích để Nhà nước bảo đảm rằng doanh nghiệp đó sẽ sử dụng đất hiệu quả. Nhưng nếu doanh nghiệp mua đất qua đấu giá thì không cần làm thủ tục xin chủ trương đầu tư. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định về điều kiện cấp phép tần số trong trường hợp cấp phép qua phương thức đấu giá.

Thêm vào đó, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện khi doanh nghiệp không sử dụng tần số trong hai năm (sửa đổi Điều 23). Quy định này cũng chỉ phù hợp với các doanh nghiệp được cấp phép tần số qua hình thức trực tiếp hoặc thi tuyển. Đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá thì quyền sử dụng tần số đã trở thành quyền tài sản của doanh nghiệp, do đó, việc thu hồi sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên đối với trường hợp cấp phép qua đấu giá. VCCI lưu ý, cơ quan nhà nước vẫn có thể tiến hành thu hồi nếu doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ tài chính để duy trì quyền sử dụng tần số, băng tần.

Tin cùng chuyên mục