Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc được thành lập để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: Lê Tiên |
Vốn khủng
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang chuẩn bị các điều kiện để cổ phần hóa, dự kiến IPO vào cuối năm 2016. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị nâng vốn điều lệ của VEC từ mức 1.019 tỷ đồng hiện tại lên mức 72.602 tỷ đồng căn cứ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất sản phẩm, kinh doanh hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp (DN).
Chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc VEC trong lần trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu cho biết, quyết định bổ sung vốn điều lệ khi được ban hành sẽ là cơ sở để phía tư vấn xác định giá trị DN để cổ phần hóa.
72.602 tỷ đồng vốn điều lệ (bao gồm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ đã được phê duyệt hiện nay và 71.602 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư từ các dự án của VEC) là một con số không hề nhỏ đối với một DN. 5 dự án xây dựng đường cao tốc mà VEC đang làm chủ đầu tư bao gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành.
Dự án Cầu Giẽ - Ninh Bình được lựa chọn làm cơ sở để tính chi phí vận hành khai thác cho 5 dự án nói trên.
Ngoài ra, trong giai đoạn đầu tư xây dựng và thu phí hoàn vốn, trường hợp trong năm tài chính VEC không có lợi nhuận từ tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì VEC vẫn được trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi tối đa không quá 2 tháng lương thực tế và hạch toán vào chi phí quản lý, điều hành dự án và chi phí quản lý thu phí.
Rõ ràng những cơ chế nói trên tạo điều kiện đáng kể cho VEC trong việc thực hiện các siêu dự án của quốc gia.
Doanh nghiệp có đang vòi vĩnh?
Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư tham dự thầu được đánh giá là độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu khi đáp ứng điều kiện nhà đầu tư tham dự thầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau.
Trong khi đó, VEC là DN 100% vốn nhà nước do Bộ GTVT đại diện chủ sở hữu, đương nhiên Công ty không được phép tham gia sơ tuyển cũng như đấu thầu các dự án đường cao tốc theo hình thức PPP do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngay cả khi cổ phần hóa, bán vốn cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài, việc giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ GTVT xuống dưới mức 30% cũng không đơn giản.
Với phép tính đơn giản, để đáp ứng tiêu chí này, VEC phải IPO và chào bán thành công tối thiểu 50.821 tỷ đồng vốn điều lệ, tương đương hơn 5.082 triệu cổ phần. Chưa từng có thương vụ IPO nào có quy mô lớn đến vậy.
Chính vì rào cản đó, VEC đề nghị trong thời gian chưa thực hiện xong cổ phần hóa hoặc sau khi cổ phần hóa mà Tổng công ty vẫn chưa đủ điều kiện để tham gia đầu tư dự án theo hình thức PPP thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VEC được miễn áp dụng Điều 2 của Nghị định nói trên – là điều khoản nhằm đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu.
Nếu được thông qua đề nghị này, VEC sẽ có lợi thế đáng kể trong việc tham gia các dự án PPP của Bộ GTVT – cơ quan chủ quản của Công ty. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là những đề nghị của VEC đối với Thủ tướng Chính phủ có đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu?
Ngược lại, nếu bị loại bỏ cuộc chơi với các dự án PPP của Bộ GTVT (Thủ tướng Chính phủ không thông qua đề nghị của VEC) – đặc biệt là các dự án đường cao tốc, thì liệu sự tồn tại của VEC có còn ý nghĩa khi công ty này được thành lập với sứ mệnh triển khai các công trình giao thông trọng điểm?
Hiện Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa có câu trả lời cho những đề nghị liên quan đến VEC từ Bộ GTVT.