Gói thầu kiểm toán tại Dự án Nâng cấp đèo Prenn (Lâm Đồng): Tiêu chuẩn hay rào cản về nhân sự?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 18 Tư vấn kiểm toán độc lập thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn, TP. Đà Lạt. Phản ánh đến Bên mời thầu, một nhà thầu cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) có yêu cầu vượt chuẩn về nhân sự, trở thành rào cản đối với đại đa số nhà thầu.
chủ đầu tư đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 18 Tư vấn kiểm toán độc lập thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn
chủ đầu tư đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 18 Tư vấn kiểm toán độc lập thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng đèo Prenn

Gói thầu số 18 có giá 1,079 tỷ đồng (tổng mức đầu tư của Dự án là 552,568 tỷ đồng), phát hành HSMT từ ngày 4 - 26/4/2024.

Theo phản ánh của một nhà thầu, HSMT bộc lộ nhiều bất cập trong các tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự. Cụ thể, để đạt điểm tối đa (15 điểm), vị trí trưởng đoàn kiểm toán bắt buộc đáp ứng các điều kiện: có trên 20 năm kinh nghiệm; có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán do Bộ Tài chính cấp; có bằng cấp sau đại học thuộc một trong các ngành: xây dựng công trình giao thông, kinh tế xây dựng, kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán; có thẻ thẩm định viên về giá; có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng hạng III trở lên còn hiệu lực; có chứng chỉ hành nghề về thuế.

Nhà thầu cho rằng, việc vừa yêu cầu nhân sự có “giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán”, vừa có chứng chỉ định giá xây dựng (kể cả trường hợp cộng điểm) là không phù hợp, rất khó đáp ứng.

Tương tự, để đạt điểm tối đa, vị trí tổ trưởng kiểm toán về kỹ thuật phải có trên 20 năm kinh nghiệm; có bằng đại học chuyên ngành xây dựng công trình giao thông; chứng chỉ hành nghề quản lý dự án hạng III trở lên còn hiệu lực; chứng chỉ định giá xây dựng hạng I.

Ngoài ra, vị trí tổ trưởng kiểm toán về tài chính, pháp lý yêu cầu có bằng cấp sau đại học thuộc một trong các ngành: xây dựng công trình giao thông, kinh tế xây dựng, kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán; có bằng đại học chuyên ngành luật; có chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng hạng III trở lên còn hiệu lực; có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu; có thẻ thẩm định viên về giá.

Theo Nhà thầu kiến nghị, việc HSMT yêu cầu các vị trí nhân sự chủ chốt có trên 20 năm kinh nghiệm, có 2 bằng cấp đại học/sau đại học chuyên ngành khác nhau, đồng nghĩa nhân sự phải tốt nghiệp đồng thời 2 trường đại học, cùng hàng loạt yêu cầu về chứng chỉ/chứng nhận như trên là quá khắt khe, không bảo đảm công bằng, cạnh tranh tại cuộc thầu. Ngoài ra, khoản 1 Điều 4 Luật Kiểm toán độc lập 2011 và Nghị định số 84/2016/NĐ-CP (quy định về tiêu chuẩn kiểm toán viên hành nghề) không yêu cầu kiểm toán viên phải tốt nghiệp chuyên ngành xây dựng công trình giao thông, chuyên ngành luật, hay yêu cầu có thẻ thẩm định viên, chứng chỉ hành nghề quản lý dự án, hoạt động đấu thầu, chứng chỉ khác ngoài chứng chỉ kiểm toán viên. Các yêu cầu này (nếu có) chỉ nên quy định dưới dạng điểm thưởng, điểm cộng ưu tiên, không phải tiêu chí để loại nhà thầu.

Ngày 17/4/2024, phúc đáp đề nghị làm rõ của Nhà thầu, Bên mời thầu khẳng định, những yêu cầu về bằng cấp chuyên môn (thẻ thẩm định viên về giá, bằng đại học chuyên ngành xây dựng công trình giao thông…) đã được cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa vào HSMT nhằm bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đội ngũ kiểm toán viên với trình độ chuyên môn phù hợp tính chất đặc thù của công trình giao thông. “Nội dung trong HSMT đã phát hành là phù hợp với các quy định liên quan, đặc biệt, đối với tính chất của gói thầu dịch vụ kiểm toán độc lập, chất lượng nhân sự là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng công việc thực hiện. Vì vậy, nhà thầu khi tham dự thầu phải bảo đảm đạt được các tiêu chuẩn chi tiết để có thể đáp ứng được HSMT và cũng để Chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu thật sự có đủ năng lực và kinh nghiệm, giúp quá trình kiểm toán đạt hiệu quả tốt”, Bên mời thầu phân tích. HSMT theo đó được giữ nguyên.

Liên quan đến các gói thầu kiểm toán, thời gian qua, Báo Đấu thầu liên tiếp ghi nhận phản ánh của nhà thầu về tình trạng HSMT đưa ra tiêu chuẩn nhân sự hành nghề kiểm toán phức tạp, cao hơn yêu cầu của công việc mời thầu, không phù hợp với quy định liên quan. Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiểm toán đều cho rằng, Luật Kiểm toán độc lập 2011 và Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 1000 - Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (ban hành kèm theo Thông tư số 67/2015/TT-BTC) không có quy định kiểm toán viên hành nghề phải có các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, luật, đấu thầu hoặc các lĩnh vực khác. Do đó, việc HSMT yêu cầu nhiều dạng bằng cấp, chứng chỉ hành nghề đối với một nhân sự kiểm toán là không phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật chuyên ngành.

Tin cùng chuyên mục