Ảnh minh họa |
Sự chủ động của Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP), với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, cho thấy tư duy sắc bén và tầm nhìn xa trông rộng của các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Nhưng tự thân TPP không mang đến cho Việt Nam tất cả những thành quả như mong muốn nếu Việt Nam không chủ động và không hành động để thích ứng với TPP trong điều kiện trình độ phát triển của nền kinh tế thấp và còn nhiều khó khăn.
Trong bài viết đầu xuân Bính Thân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thay đổi, nâng cao chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh được nhấn mạnh như một yếu tố quyết định để thành công với TPP. Theo đó, Nhà nước sẽ phải chủ động để có những cải cách, thay đổi nhiều nhất, từ đó tạo ra thể chế kinh tế chất lượng, đảm bảo có một nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, nguồn lực được phân bổ công bằng.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã nêu rõ: Người dân được quyền làm mọi việc mà pháp luật không cấm, còn Nhà nước muốn cấm, hạn chế quyền của người dân phải thể hiện được điều đó trong luật. Tất cả những thay đổi đó cho thấy Việt Nam đã chủ động trong cải cách thể chế, ngay cả trước khi ký kết TPP.
Hệ thống pháp luật đã và đang tiếp tục được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các Hiệp định thế hệ mới. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng có nghĩa là hợp tác, làm ăn với nhiều bạn hàng, đối tác trên thế giới. Bởi vậy, hiểu và nắm rõ các quy định pháp luật, đồng thời điều chỉnh lại các quy định được coi là không thích ứng với yêu cầu hội nhập là vấn đề đáng quan tâm lúc này.
Nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng, thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế.
Thể chế tốt, bảo đảm Nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển. Và như vậy, thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước trong giai đoạn mới này là rất quan trọng. Vậy muốn thay đổi, việc đầu tiên là phải bắt đầu định vị được mối quan hệ Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ tạo thêm xung lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong việc thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới; trong đó, EU với GDP trên 18.000 tỷ USD và TPP với GDP trên 20.000 tỷ USD. Nhưng khó khăn và thách thức đối với Việt Nam cũng không nhỏ. Nhà nước sẽ phải là chủ thể đưa ra những cải cách, thay đổi, để từ đó tạo ra thể chế kinh tế chất lượng.
Hiệp định TPP sẽ mở ra một sân chơi mới với người tham gia là nhiều quốc gia phát triển, với những bộ máy năng động. Chính trong sân chơi này, không chỉ doanh nghiệp, người dân mà Nhà nước cũng sẽ phải có sự cạnh tranh. Vì chỉ với những nền tảng thể chế cởi mở, minh bạch, những lợi ích từ TPP từ dự báo mới có thể được hiện thực hóa.