Doanh thu không bù đắp được chi phí, lỗ lũy kế của Vinaincon tính đến cuối năm 2018 lên tới 1.223 tỷ đồng. Ảnh: An Phú |
Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và một số ngân hàng TMCP khác do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đang được huy động để hỗ trợ Vinaincon thanh toán nợ.
“Nhờ cậy” Bộ Tài chính
Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Vinaincon là 4.189 tỷ đồng, tăng thêm 196 tỷ đồng (tương đương 5%) so với thời điểm đầu năm 2018.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, việc gia tăng nợ vay của Vinaincon ngoài mục đích bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, còn được sử dụng cho mục đích trả nợ Ngân hàng BNP Paribas.
Khoản nợ này của Vinaincon xuất phát từ Dự án Xi măng Thái Nguyên có tổng vốn đầu tư 3.536 tỷ đồng. Trong đó, khoản vay Ngân hàng BNP Paribas do Chính phủ bảo lãnh trị giá 58,9 triệu EUR. Tuy nhiên, dự án này kể từ khi chính thức đi vào sản xuất với nhãn hiệu Xi măng Quang Sơn (tháng 7/2011) đến nay liên tục thua lỗ, có nguy cơ phá sản. Vì vậy, với tư cách là người bảo lãnh, Bộ Tài chính từ tháng 7/2011 đã phải trả nợ vốn vay đầu tư đến hạn của Vinaincon tại Ngân hàng BNP Paribas, với số tiền hơn 4,2 triệu EUR.
Chỉ trong 2 năm gần đây (2017 và 2018), nợ vay của Vinaincon tại BNP Paribas đã giảm đáng kể. Nếu như đầu năm 2017, số dư của khoản vay này là 460 tỷ đồng thì đến cuối năm 2018 chỉ còn 174,6 tỷ đồng (giảm 285,4 tỷ đồng).
Trong khi đó, các khoản nợ vay của Vinaincon tại Bộ Tài chính và VDB - ngân hàng chính sách do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ - liên tục gia tăng.
Nếu như đầu năm 2017, số dư nợ của Vinaincon tại Bộ Tài chính là 1.692 tỷ đồng, thì đến đầu năm 2018 con số này đã tăng thêm 52,5 tỷ đồng thành 1.744 tỷ đồng. Và đến cuối năm 2018, con số này là 1.892 tỷ đồng, tăng thêm 147,2 tỷ đồng. Còn số nợ vay của Vinaincon tại VDB thời điểm cuối năm 2018 cũng tăng thêm 52,6 tỷ đồng, lên 1.013 tỷ đồng.
Ngoài 2 chủ nợ lớn trên, nợ vay của Vinaincon tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thời điểm cuối năm 2018 cũng tăng thêm 57,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 733,2 tỷ đồng; khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tăng thêm 4 tỷ đồng; khoản vay tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) tăng thêm 7 tỷ đồng và khoản vay tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng thêm 7,3 tỷ đồng. Lưu ý, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MBBank cũng đều là các ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Bên cạnh việc trả nợ nước ngoài, Vinaincon cũng đã “sạch” nợ tại Ngân hàng TMCP An Bình và giảm nợ tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) xuống còn 9,4 tỷ đồng (giảm 65% so với thời điểm đầu năm 2018). Đây là các ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước.
Chưa thoát cảnh khó khăn
Kinh doanh thua lỗ mất vốn, Vinaincon vẫn đang tiếp tục phát sinh nhiều khoản nợ phải thu có quy mô lớn. Trong đó, các khoản nợ xấu có nguy cơ mất trắng lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, số dư các khoản phải thu ngắn hạn của Vinaincon đạt 1.397 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng tài sản ngắn hạn của Tổng công ty. Trong đó, tổng giá trị các khoản nợ xấu, khó đòi lên đến 141,4 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh của Vinaincon liên tục thua lỗ. Cụ thể, năm 2017, Tổng công ty lỗ 92,6 tỷ đồng, số lỗ năm 2018 là 331,2 tỷ đồng. Thua lỗ lớn đã khiến tổng số lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 lên tới 1.223 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 392 tỷ đồng.
Kinh doanh thua lỗ cùng với phát sinh nhiều khoản phải thu với khách hàng làm cho hoạt động kinh doanh của Vinaincon không thể tạo ra tiền. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 2 năm 2017 - 2018 liên tục âm 69 tỷ đồng và 295 tỷ đồng.
Không tạo ra tiền để thanh toán các khoản nợ vay, nhiều khả năng Vinaincon sẽ phải tiếp tục trông cậy vào Quỹ tích lũy trả nợ do Bộ Tài chính quản lý để thanh toán nghĩa vụ nợ. Câu hỏi được đặt ra là, nếu tiếp tục kinh doanh thua lỗ thì Vinaincon sẽ lấy nguồn từ đâu để trả lại cho Bộ Tài chính và các ngân hàng?