Vĩnh Phúc: Có việc dàn xếp, băng nhóm "xã hội đen" xuất hiện ở đấu giá đất

0:00 / 0:00
0:00
"Xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá, băng nhóm "xã hội đen" gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa phương" - Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cho hay.

Có "sân sau", cò mồi...

Theo thông tin từ Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, sau 5 năm triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn đã đạt được một số kết quả tích cực. Toàn tỉnh đã có 8 tổ chức đấu giá (Trung tâm dịch vụ đấu giá thuộc Sở Tư pháp và 7 doanh nghiệp đấu giá) và 5 chi nhánh doanh nghiệp đấu giá. Số lượng đấu giá viên hoạt động tại các tổ chức đấu giá là 17 người.

Sau 5 năm, các tổ chức đấu giá trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thực hiện trên 900 cuộc đấu giá, trong đó đấu giá thành công trên 700 cuộc với tổng giá khởi điểm của tài sản đấu giá gần 5.000 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là hơn 6.000 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm là hơn 2.000 tỷ đồng. Các tổ chức đấu giá đã nộp thuế hơn 2 tỷ đồng.

Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã thực hiện 9 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổ chức đấu giá tài sản, chi nhánh doanh nghiệp đấu giá tài sản. Qua đó ban hành 3 quyết định xử phạt đối với 3 tổ chức đấu giá tài sản do có hành vi vi phạm pháp luật, với tổng số tiền xử phạt là 34 triệu đồng.

Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc

Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc

Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cho biết, các cuộc tổ chức đấu giá đều có sự hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự của lực lượng công an địa phương. Về cơ bản, UBND các huyện đã chỉ đạo việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kết quả đấu giá đảm bảo các bước theo đúng quy trình và được thực hiện bởi các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận hoạt động đấu giá tài sản trong một số trường hợp vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém: Việc xác định giá để làm giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát với giá thị trường; lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản còn chưa khách quan, còn trường hợp lựa chọn các tổ chức đấu giá tài sản "sân sau" để đấu giá.

"Việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá ở một số nơi chưa thường xuyên, thậm chí có biểu hiện buông lỏng. Chất lượng, năng lực của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế. Xuất hiện hiện tượng thông đồng, dìm giá, băng nhóm xã hội đen gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại một số địa phương" - thông tin từ Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cho hay.

Lý giải nguyên nhân thực trạng này, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cho rằng một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước khi Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực chưa được rà soát, sửa đổi kịp thời nên còn chồng chéo, mâu thuẫn. Việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm.

Trong khi đó, một số cơ quan, người có tài sản đấu giá còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát xử lý tài sản, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Tình trạng thông đồng, dìm giá, dàn xếp kết quả, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, phức tạp, khó phát hiện…

Xử nghiêm cán bộ, công chức có hành vi "tiếp tay", bao che

Trong số nhiều giải pháp khắc phục đưa ra, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đề nghị tăng cường chỉ đạo người có tài sản bán đấu giá trong việc xây dựng, phê duyệt phương án đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, giám sát quá trình tổ chức đấu giá, tham dự cuộc đấu giá, giao tài sản cho người trúng đấu giá…

Phiên đấu giá 32 ô đất tại xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc (Ảnh: Sở Tư pháp Vĩnh Phúc).

Phiên đấu giá 32 ô đất tại xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc (Ảnh: Sở Tư pháp Vĩnh Phúc).

Đặc biệt, phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc đưa tài sản ra đấu giá, tổ chức xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá và tổ chức, doanh nghiệp thẩm định giá.

"Xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý tài sản, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm về đấu giá tài sản và thẩm định giá" - cơ quan này đề xuất và nhấn mạnh, các cuộc đấu giá cần có sự phối hợp với cơ quan công an địa phương để triển khai các biện pháp hỗ trợ đảm bảo an ninh, trật tự các cuộc đấu giá nhất là các cuộc đấu giá tài sản công có giá trị lớn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

3 lãnh đạo Sở Tư pháp Vĩnh Phúc mất chức

Mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã ký quyết định kỷ luật cách chức Giám đốc Sở Tư pháp đối với ông Nguyễn Văn Bắc vì những vi phạm nghiêm trọng trong quản lý điều hành, quản lý tài chính ngân sách tại cơ quan.

Hai Phó Giám đốc Sở Tư pháp là ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Kim Thị Ánh bị kỷ luật buộc thôi việc vì để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý tài chính, ngân sách.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã biểu quyết thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Kim Thị Ánh.

Ông Hà Thái Nguyên - Phó Bí thư đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc - bị kỷ luật cảnh cáo. Hiện nay ông Nguyên đang được giao điều hành công việc ở Sở Tư pháp Vĩnh Phúc.

Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc bị kết luận có những khuyết điểm nghiêm trọng. Từ đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thi hành kỷ luật Đảng ủy Sở Tư pháp Vĩnh Phúc bằng hình thức cảnh cáo.

Tin cùng chuyên mục