Vụ BigC tạm dừng mua hàng dệt may Việt Nam: Kiên quyết bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam

(BĐT) - Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/7, tại Hà Nội, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam hết sức tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, trong đó có Big C, song cũng kiên quyết bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân Việt Nam.
.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6/2019
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6/2019

Hiện Tập đoàn Central Group (Thái Lan) - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam - có 4.000 nhà cung cấp Việt Nam, trong đó có 200 doanh nghiệp chuyên hàng may mặc.

Ngày 2/7/2019, Tập đoàn Central Group có thư gửi các đối tác tại Việt Nam, thông báo siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019 gây xôn xao dư luận.

Ông Hải cho biết, ngay trong sáng 4/7, Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Central Group.

Theo ông Hải, Tập đoàn Central Group Việt Nam đã tạo việc làm cho 17.000 lao động trực tiếp và 20.000 lao động gián tiếp trong vận hành hệ thống. Riêng Big C có khoảng 9.000 lao động. Tập đoàn cũng đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, Tập đoàn đã phối hợp với Bộ Công Thương trong việc tổ chức giới thiệu hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài…

Thông tin về nguyên nhân vụ việc Big C tạm ngừng mua sản phẩm may mặc của Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết: “Tập đoàn này cho biết, họ đang có chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại các kênh phân phối tại Việt Nam”. Cụ thể, Central Group đang xác lập lại hệ thống, module của mình tại các siêu thị nên ngừng mua hàng dệt may từ các doanh nghiệp Việt Nam. Thời hạn ngừng mua trong vòng 15 ngày và có thể kéo dài hơn. Các đơn hàng đã ký vẫn tiếp tục được thực hiện.

“Việc giải quyết của Big C với 200 nhà cung cấp Việt Nam về mặt hàng dệt may tại hệ thống của Big C là việc của doanh nghiệp, phải được giải quyết trên cơ sở hợp đồng đã ký giữa Big C và các nhà cung cấp cũng như tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam (bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cạnh tranh)”, lãnh đạo Bộ Công Thương nêu quan điểm và khẳng định rõ: “Chúng tôi hết sức hoan nghênh và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Big C, nhưng mặt khác kiên quyết bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng, người dân Việt Nam".

Chia sẻ về kết quả làm việc, ông Hải cho hay: “Big C cam kết ngay trong ngày 4/7 sẽ mở đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp dệt may Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C tiếp tục làm việc với 100 nhà cung cấp nữa để mở đơn hàng. 50 nhà cung cấp Việt Nam còn lại sẽ tiếp tục cùng với họ làm việc kỹ hơn để hàng hóa đáp ứng theo các hợp đồng đã ký với Tập đoàn”. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp để đảm bảo cho lợi ích nhà đầu tư, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, cung ứng và người tiêu dùng Việt Nam.

Trong cuộc làm việc với Central Group, Bộ Công Thương cũng mời đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tham dự và ký biên bản về nguyên tắc hợp tác giữa hai bên nhằm giải quyết hiệu quả các vướng mắc. Bộ Công Thương sẽ tham gia với vai trò hỗ trợ, tạo môi trường, cơ sở pháp lý để nhà đầu tư có cơ sở kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục