Vươn lên từ sức mạnh mềm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, nền tảng văn hóa kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp (DN) chống chọi được với sức ép từ bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài. Văn hóa kinh doanh tạo ra sức mạnh mềm của DN và cũng góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế, hướng tới hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các doanh nhân tại Đại hội toàn quốc của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tháng 12/2021. Ảnh: Quý Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các doanh nhân tại Đại hội toàn quốc của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tháng 12/2021. Ảnh: Quý Bắc

Đó là những lời tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước cộng đồng DN Việt Nam tại Đại hội toàn quốc của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong ngày cuối năm cũ, mở cánh cửa bước sang năm mới. Xây dựng văn hóa kinh doanh cũng là một phần không thể tách rời trong các chiến lược phát triển và nâng tầm DN, hướng tới sứ mệnh gánh vai đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận: “Trong hai năm qua, cộng đồng DN, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau với tinh thần “tương thân, tương ái” để cùng vượt qua khó khăn và thách thức; có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực, hiệu quả, kịp thời cả về vật chất và tinh thần trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp đối với nhân dân, với đất nước”.

Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rất rõ tầm quan trọng của văn hóa. Với cộng đồng DN, xây dựng văn hóa kinh doanh phải xứng tầm phát triển, truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước.

“Việc lựa chọn xây dựng và xác lập văn hóa kinh doanh vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là đột phá hoàn toàn đúng tầm, đúng đắn trong điều kiện hiện nay. Chúng ta phải triển khai thực hiện nhiệm vụ này thật tốt, góp phần tạo ra được một đội ngũ doanh nhân vững mạnh”, Thủ tướng chỉ đạo.

Theo Thủ tướng, cùng với vốn tự nhiên, vốn con người, vốn tài chính, vốn vật chất, vốn thể chế thì vốn xã hội, vốn văn hóa là những nguồn lực rất quan trọng đối với DN và cả nền kinh tế. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng thương mại thì nền tảng văn hóa kinh doanh sẽ giúp DN chống chọi được với sức ép từ bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài.

Văn hóa là “chân ga và chân phanh”

Từ góc độ nghiên cứu về DN và doanh nhân, ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, ví văn hóa là “chân ga và chân phanh” của DN. Trong những thời điểm thuận lợi, văn hóa sẽ như “chân ga” giúp DN phát triển bứt phá, và văn hóa cũng là “chân phanh” để DN có thể vượt qua đèo cao mà không rơi xuống vực sâu trong những hoàn cảnh gian khó. Điều này cũng đúng khi nhìn nhận ở góc độ quốc gia và góc độ cá nhân.

Với DN, văn hóa kinh doanh thể hiện rõ trong đại dịch vừa qua. Từng có DN kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, khách sạn buộc phải đóng cửa 6 tháng nhưng chủ DN vẫn trả lương cho nhân viên. Đến khi DN mở cửa hoạt động, tất cả người lao động đều quay lại làm việc. Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy, muốn đi đường dài thì phải đi cùng nhau.

Ở góc độ quốc gia, từ kênh tiếp cận văn hóa, nhiều nước đã dần đưa sản phẩm mang thương hiệu quốc gia ra nước ngoài. Lâu nay, nhiều người nói về văn hóa như một phương tiện để đạt được mục đích, song văn hóa không chỉ là phương tiện mà bản thân văn hóa cũng là mục đích mà mỗi quốc gia, DN, cá nhân vươn tới.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu, đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo ông Giản Tư Trung, Việt Nam cũng cần xây dựng nền văn hóa xứng tầm với khát vọng năm 2045. Hay nói cách khác, nếu không có văn hóa xứng tầm khát vọng đó thì khó có thể hiện thực hóa các mục tiêu đã nêu.

“Giờ đây, chúng ta đang sống trong một giai đoạn biến động không ngừng với quá trình tiếp nhận và thích ứng văn hóa diễn ra mạnh mẽ. Điều đó đặt ra thách thức với tất cả người dân, DN, tổ chức là làm sao giữ được tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Do đó, việc xây dựng nền tảng văn hóa DN trong thời đại mới chính là làm theo lời dạy của Bác Hồ “dĩ bất biến ứng vạn biến”, dựa trên bản sắc dân tộc để xây dựng giá trị văn hóa vượt cả không gian và thời gian. Việc này đòi hỏi người đứng đầu DN phải thấu hiểu sâu sắc về văn hóa, có giấc mơ rõ ràng về văn hóa, từ đó có phương pháp xây dựng, giải pháp cụ thể và bền bỉ thực hiện điều này”, ông Trung nhấn mạnh.

Hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội, những câu chuyện về doanh nhân lập ra các ATM gạo, ATM thuốc chữa bệnh, ATM oxy… miễn phí, hay những DN sẵn sàng chấp nhận thua lỗ, duy trì sản xuất để người lao động không bị mất việc và có thu nhập nuôi sống gia đình, hay như việc hàng trăm, hàng nghìn công nhân chấp nhận tạm thời làm việc không nhận lương, trụ lại để chung sức giữ cho DN khỏi bị phá sản… là những minh chứng sống động cho hệ giá trị đạo đức kinh doanh, kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh vì cộng đồng.

“Có thể nói, chính văn hóa tạo nên hệ giá trị giúp cho DN xác định được phương hướng và có biện pháp, sức mạnh ứng phó hiệu quả trong khủng hoảng, biến cố bất thường, vượt qua thách thức, đạt đến mục tiêu phát triển bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ.

Theo ông Vinh, không thể có quốc gia giàu mạnh nếu giới doanh nhân, DN không có văn hóa, bản sắc ở tầm cao. Kinh doanh một cách nhân bản hơn với những giá trị chân - thiện - mỹ được cụ thể hóa trong đời sống DN, lựa chọn vun bồi đạo đức kinh doanh, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, với thiên nhiên, môi trường, tôn trọng quá khứ và trách nhiệm với tương lai… Tất cả những điều ấy đã vượt ra khỏi sự bó hẹp của những khái niệm, trở thành dòng chảy nội tại của mỗi DN, thấm nhuần trong ý thức và hành động của mỗi cá nhân.

“Đối thủ của bạn có thể sao chép tất cả mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, hệ thống, bí quyết công nghệ chỉ trong tích tắc bằng một cú nhấp chuột… Nhưng có một thứ duy nhất họ không thể sao chép hay ăn cắp được, đó chính là văn hóa DN. Đó là nhận định của Tổ chức tư vấn đào tạo quốc tế Franklin Covey và điều đó luôn đúng với mọi DN”, ông Vinh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục