Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ mới là các mã hưởng lợi nhất trong ngày hôm nay. |
Thị trường đã mạnh lên trong phiên chiều nay. Áp lực bán lớn xuất hiện trong đợt ATC nhưng đã không gây xáo trộn lớn nhờ lực cầu khá mạnh, đặc biệt tại các cổ phiếu mang tính quyết định như VHM. VN-Index xác lập tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6.
Phiên cuối tuần sẽ có các giao dịch lớn từ quỹ tái cơ cấu theo chỉ số mới của HoSE từ đầu tháng 11. Lực bán xuất hiện là điều được trông đợi và không ít cổ phiếu lớn đã bị ép tụt giá. Dù vậy chỉ cần VHM là đủ.
Trụ ấn tượng nhất ngày hôm nay giao dịch tới trên 1,3 triệu cổ trong đợt ATC. VHM được neo giá rất ổn định cả phiên chiều và đến đợt ATC một thoáng lo lắng khi lượng bán xuất hiện rất nhanh. Tuy nhiên cầu vào đỡ còn ấn tượng hơn, đẩy giá đóng cửa còn tăng cao hơn cả giá đợt khớp lệnh liên tục. VHM chốt phiên trên tham chiếu 5,56%, tương đương mức đỉnh buổi sáng.
Thanh khoản của VHM cũng lớn nhất trong 2 tháng trở lại đây, đạt 1.313 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh có thể là yếu tố hỗ trợ. Dòng tiền trong nước mua cực mạnh đẩy giá VHM phục hồi lên mức cao nhất kể từ ngày 16/8 vừa qua. Cầu ngoại chỉ chiếm hơn 15% tổng giao dịch tại VHM phiên này. Nhờ VHM duy trì mức tăng cao nhất lúc đóng cửa, VN-Index có được 5,3 điểm.
ACB cũng là cổ phiếu đảo giá rất tốt trong đợt ATC. Hơn 4,9 triệu cổ phiếu được tung ra bán trong đợt cuối nhưng ACB lại được mua kéo giá tăng ngược 3,61% so với tham chiếu. Tính riêng phiên ATC, giá ACB đã tăng tới 1,69%. ACB cũng hoàn toàn nhờ vào lực cầu trong nước mà tăng giá, thanh khoản lên cao nhất 2 tháng. VRE, BID, STB, MBB... cũng giao dịch lớn và giá có bật cao hơn ở đợt cuối.
Ngược lại, có khá nhiều cổ phiếu blue-chips bị đánh tụt giá cuối ngày: HPG xuất hiện giao dịch tới gần 1,89 triệu cổ và giá đóng cửa bị đánh tụt giảm sâu 1,55% so với tham chiếu. TCB bị 1,26 triệu cổ xả ép giá từ tham chiếu thành giảm 0,39%. CTG có hơn 1,8 triệu cổ bán, giá tụt nhẹ, thu hẹp mức tăng còn 0,64%. VNM, VPB, GVR, TPB... cũng bị ép nhất định.
Nói chung nếu tính theo mức biến động giữa giá cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục với giá ATC thì các blue-chips VN30 bị ép tụt xuống nhiều hơn là tăng lên. Tuy nhiên hoạt động của các trụ lại khác nhau nên cả VN-Index lẫn VN30-Index đều có diễn biến phục hồi, chứ không tụt xuống. Nói tóm lại, việc giằng co bù đắp lẫn nhau đã giúp thị trường vượt qua phiên tái cơ cấu này.
Diễn biến thị trường chiều nay đã mạnh lên như chờ đợi khi hoạt động mua vào gia tăng. Biểu hiện rõ nhất là độ rộng cải thiện, đặc biệt với các mã vốn hóa nhỏ. Chỉ số VNSmallcap tăng liên tục trong phiên chiều và đóng cửa tại đỉnh cao nhất ngày, tăng 1,1% so với tham chiếu với độ rộng đã nghiêng hẳn về phía tăng. Tới 28 cổ phiếu trong rổ này tăng kịch trần. Giao dịch lớn xuất hiện tại HQC, LDG, BKG, HAR, HID, TDG, HBC, TSC...
Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng gây ấn tượng mạnh với thanh khoản kỷ lục 5.910,4 tỷ đồng, tăng 35% so với hôm qua. Kỷ lục gần nhất của rổ cổ phiếu này là 5.205,6 tỷ đồng hôm 20/8 vừa qua.
Mặc dù vậy thanh khoản chiều nay không bằng buổi sáng. HoSE khớp thêm buổi chiều chỉ 10.708 tỷ đồng, tương đương 63% phiên sáng. VN30 thậm chí giao dịch khá đuối, chỉ đạt 4.353 tỷ đồng và tổng cả phiên đạt 10.102 tỷ đồng. Giao dịch tăng 13% trên HoSE hôm nay có dấu ấn khá rõ từ các cổ phiếu vừa và nhỏ.
Khối ngoại chiều nay đã đảo chiều mua ròng trở lại gần 62 tỷ đồng trên HoSE. VHM được mua ròng 158 tỷ, CTG gần 71 tỷ đồng, VCB trên 65 tỷ. Tuy nhiên thay đổi chính là chứng chỉ quỹ FUESSVFL được mua ròng 149,3 tỷ đồng. Phía bán có NLG, PAN, VRE, những mã đã bị bán ròng mạnh từ sáng.
Thị trường vượt qua phiên tái cơ cấu khá mạnh mẽ và duy trì mức tăng tốt trên VN-Index. Thanh khoản bình quân khớp lệnh của HoSE tuần này lên tới gần 24,5 ngàn tỷ mỗi ngày, cao nhất trong 10 tuần gần đây. Điều quan trọng là sức mạnh thanh khoản này sẽ tiếp tục được duy trì sau khi các quỹ ngừng giao dịch.