Theo dự thảo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, mức vốn kế hoạch bố trí cho từng dự án không vượt quá 90% tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên trong việc lập kế hoạch, chúng ta khắc phục tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc ra từng năm, chuyển sang xây dựng được kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm và chuyển từ cân đối vốn hằng năm sang cân đối trung hạn 5 năm cả ở tầm quốc gia và các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất, tăng cường phân cấp, tăng thêm quyền tự chủ, chủ động hơn cho các bộ, ngành, địa phương và cơ sở. Vì thế, để thực hiện kế hoạch, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công.
Bộ KH&ĐT đã xác định những nguyên tắc chặt chẽ làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương phân bổ nguồn nguồn vốn này. Theo Bộ KH&ĐT, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công…
Đặc biệt, phải bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan; bố trí đủ vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững đã được Quốc hội phê duyệt. Đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công…
Bộ KH&ĐT cũng đưa ra thứ tự ưu tiên bố trí vốn, trong đó, ưu tiên đầu tiên là bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 31/12/2014, nhưng đến hết kế hoạch năm 2015 chưa bố trí nguồn để thanh toán. Tiếp theo là thu hồi các khoản ứng trước; bố trí đủ vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo dự kiến kế hoạch trung hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; ưu tiên bố trí vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức PPP; dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020; dự án chuyển tiếp hoàn thành sau giai đoạn 2016 - 2020.
Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án nêu trên, nếu còn vốn thì mới xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới. Đối với bộ, ngành và địa phương bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thu hồi 50% các khoản ứng trước, không được phép khởi công mới dự án trong giai đoạn 2016 - 2020, trừ các dự án đã được Thủ tướng cho phép khởi công mới trong kế hoạch năm 2016.