Xin ý kiến thẩm định Dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, Bộ Công an vừa gửi Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá tới Bộ Tư pháp để xin ý kiến thẩm định.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Bộ Công an, từ năm 2017 đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng cơ chế Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá (sau đây gọi là Đề án).

Quá trình nghiên cứu Đề án nhận thấy việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe nếu thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không đạt được hiệu quả cao và cần có những có sở pháp lý vững chắc, mang tính đặc thù so với quy định pháp luật hiện hành.

Khi xây dựng Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã nghiên cứu đưa một số nội dung để tháo gỡ các vướng mắc nêu trên vào Dự thảo Luật. Tuy nhiên, giải pháp này chưa tháo gỡ được hết các vấn đề và hiện tại Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ chưa được thông qua nên cần có văn bản mang tính thí điểm để đảm bảo việc triển khai, thực hiện Đề án đúng quy định của pháp luật.

Qua nghiên cứu, rà soát đánh giá pháp luật, thực tế và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Công an và các bộ, ngành thống nhất rằng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là hết sức cần thiết và đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này với tính chất là Nghị quyết ban hành để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Dự thảo Nghị quyết được Bộ Công an xây dựng gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá và điều khoản thi hành.

Theo đó, biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà cơ quan công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc 1 năm; người có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để tham gia đấu giá trực tuyến.

Cơ quan soạn thảo thông tin, hiện nay, kho số quản lý phương tiện giao thông có 5 loại hình gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải. Khi làm thủ tục đăng ký, chủ phương tiện phải nộp lệ phí đăng ký theo quy định. Nếu triển khai cấp quyền lựa chọn biển số thông qua đấu giá tất cả 5 loại hình giao thông sẽ gặp khó khăn, không khả thi, hiệu quả.

Dự thảo Nghị quyết quy định, khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu; được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe cùng biển số trúng đấu giá nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định, trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, 1 người tham gia cuộc đấu giá, 1 người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó. Quy định này đáp ứng nhu cầu tự xác định, lựa chọn “biển số đẹp” của cá nhân, tổ chức và tránh việc tổ chức đấu giá lại theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2015, tiết kiệm thời gian, công sức cho xã hội.

Tin cùng chuyên mục