“Xốc” lại cải cách môi trường kinh doanh, trợ lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cập nhật về dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, nhiều tổ chức tài chính và cơ quan nghiên cứu đều đưa ra nhận định khá lạc quan với các con số tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Để đạt được kết quả này, một số ý kiến cho rằng phải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế nhằm giảm bớt áp lực lạm phát và tạo không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp (DN).
Pphải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế nhằm giảm bớt áp lực lạm phát và tạo không gian tăng trưởng mới cho DN. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Pphải đẩy mạnh cải cách ngay cả trong bối cảnh thực hiện phục hồi kinh tế nhằm giảm bớt áp lực lạm phát và tạo không gian tăng trưởng mới cho DN. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trợ lực cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, có những yếu tố chưa dự báo được như cạnh tranh chiến lược, xung đột tại Ukraine; giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, lạm phát ở nhiều nước tăng cao… song kinh tế nước ta có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra. Trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch.

Cập nhật dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2022, nhiều tổ chức tài chính quốc tế, cơ quan kinh tế đều nhận định, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau dịch Covid-19. Điển hình, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 lên 6,9%, thay vì mức 6,6% trước đây. Công ty CP Chứng khoán VnDirect nâng dự báo lên mức 7,1%. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng, trong đó ở kịch bản cao có thể đạt 6,9%.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM nhìn nhận, có được những thành quả ấy một phần quan trọng là nhờ cách tiếp cận bài bản nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời duy trì đà cải cách, tạo không gian cho hoạt động kinh tế của DN và người dân. Sâu xa hơn, đó là nhờ tư duy hướng tới bảo đảm hài hòa, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế liền mạch và sâu rộng.

Đặc biệt, thông qua cải cách thể chế đã góp phần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng.

Trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, hầu hết các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã nhận thức được vai trò và ý nghĩa của cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số địa phương có nhiều sáng kiến được các tỉnh, thành phố tham khảo như: Quảng Ninh, Cần Thơ, Hải Phòng, Gia Lai, Đồng Tháp…

Trái ngược với nỗ lực của nhiều địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, sự nỗ lực của các bộ, ngành lại có dấu hiệu suy giảm với biểu hiện như: gửi báo cáo thực hiện Nghị quyết 02 chậm so với yêu cầu; nhiều nội dung thông tin không có sự khác biệt so với các báo cáo trước đây…

Không ít DN phàn nàn, vẫn còn hạn chế, khó khăn trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật hiện hành mặc dù đã được rà soát, sửa đổi nhưng nhiều văn bản vẫn chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa tốt, dẫn tới kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính; DN vẫn phải trả những chi phí không chính thức...

Củng cố trợ lực tăng trưởng

Sau hơn hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với khó khăn, bất định ảnh hưởng đến đà phục hồi. Theo bà Minh, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở nên kém tích cực hơn do những khó khăn từ giai đoạn bùng dịch và một loạt vấn đề mới phát sinh.

Để đạt được kết quả tăng trưởng như dự báo, nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh yêu cầu phải đẩy mạnh cải cách nhằm tăng trợ lực cho tăng trưởng với việc tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh. Nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ DN phát triển phải là việc làm thường xuyên, liên tục.

Theo hướng này, Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần coi DN là trung tâm và tiếp tục thực hiện cải cách thể chế, đồng thời coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực. Trong đó, tạo cơ hội thuận lợi cho các dự án chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…, gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử.

Trước sự chững lại, thậm chí suy giảm nỗ lực cải cách của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế đề nghị cần “xốc” lại tinh thần và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu ở các cấp, các ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh; đồng thời, tăng cường đối thoại với DN, từ đó lắng nghe, thấu hiểu và tìm kiếm những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển sản xuất kinh doanh.

Từ góc độ DN, đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị cấp thẩm quyền tiếp tục gỡ “rào cản” cho DN, bãi bỏ những quy định không phù hợp, không cần thiết; hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ DN khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do…

Tin cùng chuyên mục