Xuất khẩu thuận lợi, Vinafood II vẫn chưa hết khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù điều kiện kinh doanh có nhiều thuận lợi với giá gạo và nhu cầu xuất khẩu đều ở mức cao, nhưng kết quả kinh doanh quý I/2023 của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) vẫn không mấy khả quan, lỗ lũy kế hiện đã xấp xỉ 56% vốn điều lệ.
Doanh thu quý I/2023 của Vinafood II tăng 65,3% so với cùng kỳ 2022, đạt 4.169 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ xấp xỉ 5 tỷ đồng, tương đương quý I/2022. Ảnh: Phan Trang
Doanh thu quý I/2023 của Vinafood II tăng 65,3% so với cùng kỳ 2022, đạt 4.169 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ xấp xỉ 5 tỷ đồng, tương đương quý I/2022. Ảnh: Phan Trang

Lỗ lũy kế xấp xỉ 56% vốn điều lệ

Báo cáo tài chính năm 2022 của Vinaood II cho biết, doanh thu thuần hợp nhất đạt 17.303 tỷ đồng, tăng 4,6% so với năm 2021, biên lợi nhuận gộp đạt 8,74%, tăng 3,02 điểm phần trăm so với năm 2021 giúp lợi nhuận gộp tăng gần 60%, đạt 1.512 tỷ đồng. Sự cải thiện về biên lợi nhuận giúp lợi nhuận trước thuế đạt 47,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 21,1 tỷ đồng, ghi nhận năm có lãi đầu tiên kể từ năm 2013 đến nay. Tuy vậy, phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ vẫn lỗ 9,2 tỷ đồng.

Năm 2022 nhìn chung là năm thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo như Vinafood II trong bối cảnh nhu cầu và giá bán các loại lương thực, ngũ cốc trên thế giới liên tục gia tăng từ đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Riêng tại Công ty mẹ Vinafood II, kết quả kinh doanh ghi nhận mức tăng trưởng cao so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra như sản lượng gạo xuất khẩu đạt 524,7 nghìn tấn, tăng 58,7% so với 2021 và vượt 43,7% kế hoạch; sản lượng gạo tiêu thụ nội địa đạt 184,5 nghìn tấn, tăng trưởng 43,7% so với 2021 và vượt 16,8% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 240 triệu USD, tăng 44,2% so với 2021 và vượt 42,4% kế hoạch.

Năm 2023, hoạt động kinh doanh của Vinafood II được đánh giá có nhiều thuận lợi. Theo phân tích của Fitch Solutions - một tổ chức xếp hạng thống kê tại Mỹ, nguồn cung gạo toàn cầu đang thiếu hụt do tác động của xung đột Nga - Ukraine cũng như thời tiết không thuận lợi cho mùa màng ở các nền kinh tế sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Tổ chức này dự báo thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022 - 2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003 - 2004 và giá gạo sẽ duy trì ở mức cao cho đến năm 2024.

Riêng trong quý I/2023, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022.

Tuy vậy, kết quả lợi nhuận của Vinafood II trong quý đầu năm lại kém khả quan với lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 5 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tiếp tục lỗ 7,16 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu quý đầu năm của Vinafood II tăng 65,3% so với cùng kỳ 2022, đạt 4.169 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận mỏng khi các khoản chi phí tăng mạnh tiếp tục bào mòn số lợi nhuận ít ỏi tạo ra.

Nhiều năm thua lỗ liên tiếp đã khiến lỗ lũy kế của Vinafood II tính đến cuối quý I/2023 lên đến 2.793,6 tỷ đồng, tương đương 55,87% vốn điều lệ; vốn chủ sở hữu hiện còn 2.453,3 tỷ đồng. Mặc dù bức tranh dòng tiền hoạt động kinh doanh có phần tích cực hơn nhưng mức thặng dư không lớn khiến dư địa dòng tiền cho đầu tư bị hạn chế. Tỷ lệ nợ phải trả, đặc biệt là nợ vay trong cấu trúc vốn vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, Ban lãnh đạo Vinafood II trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh tổng hợp toàn Tổng công ty năm nay với doanh thu dự kiến 15.325 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100,58 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau quý đầu năm, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay còn nhiều thách thức.

Nợ vay lớn, áp lực chi phí lãi vay cao

Tính đến 31/3/2023, nợ vay của Vinafood II là 3.717,2 tỷ đồng, tăng 1.157 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 42,5% cơ cấu vốn. Trong đó gần như toàn bộ là nợ vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động, cụ thể là tăng lượng hàng tồn kho. Năm 2022, nợ vay của Tổng công ty cũng tăng 656 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế kéo dài, nguồn lực tài chính mỏng, việc phụ thuộc chủ yếu vào nợ vay để đáp ứng dòng vốn kinh doanh là những khó khăn, thách thức với Vinafood II trong môi trường lãi suất cao như hiện nay. Riêng trong quý I/2023, chi phí lãi vay hợp nhất của Tổng công ty là 36,1 tỷ đồng, tăng 60,4% so với cùng kỳ 2022.

Hiện nay, nhiều đơn vị thành viên của Tổng công ty đang gặp khó khăn về tài chính và phải trích lập dự phòng giá trị đầu tư với 7 trong 12 công ty con, 3 trong số 6 công ty liên kết. Việc giải quyết thủ tục phá sản cho Công ty CP Lương thực Hậu Giang (công ty con của Vinafood II) kéo dài cũng khiến báo cáo tài chính của Tổng công ty bị kiểm toán ngoại trừ liên tục nhiều năm gần đây.

Vinafood II tiền thân là Tổng công ty Lúa gạo miền Nam, được thành lập năm 1976. Trước khi cổ phần hóa vào năm 2017, Vinafood II là đơn vị thực hiện các hợp đồng bán gạo cho Chính phủ, từ đó phát triển được mạng lưới khách hàng rộng lớn và trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước. Tuy vậy, kết quả kinh doanh đến nay dường như chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng của doanh nghiệp.

Với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, Vinafood II có 2 cổ đông lớn là Nhà nước (51,43%) và Tập đoàn T&T (25%).

Tin cùng chuyên mục