10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật

(BĐT) - Hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam tổ chức thành công APEC, môi trường kinh doanh được cải thiện… là những sự kiện tiêu biểu trong năm 2017 của Việt Nam.
10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật

1. Hoàn thành tất cả 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 1

Lần đầu tiên sau nhiều năm, năm 2017 Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách và các cân đối lớn của nền kinh tế đều đạt yêu cầu đề ra. GDP tăng trưởng khoảng 6,7%, xuất khẩu trên 200 tỷ USD, đón khoảng 13 triệu lượt du khách quốc tế, hơn 120 nghìn doanh nghiệp thành lập mới...

Những kết quả này tạo đà thuận lợi đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

2. Định vị vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 2

Ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngày 3/10, Chính phủ ra Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết trên. Theo đó, Nhà nước sẽ xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.

Việc Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII xác định khu vực kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính là sự ghi nhận, đánh giá ở tầm mức cao nhất về những đóng góp quan trọng, lớn lao của khu vực này cho đất nước.
3. Việt Nam tổ chức APEC thành công rực rỡ
10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 3
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công rực rỡ, toàn diện cả trên phương diện song phương và đa phương, đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn mới, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nâng cao vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Cùng với những sự kiện ngoại giao mang tầm vóc quốc tế trong năm 2017, APEC 2017 đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

4. Thông qua nhiều đạo luật có tính cách mạng trong tư duy, đổi mới, tạo động lực cho sự phát triển

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 4

Trong năm 2017, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng, trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Luật Quy hoạch. Quốc hội cũng xem xét cho ý kiến về Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.  

Luật Quy hoạch khắc phục tình trạng xin - cho tùy tiện trong việc điều chỉnh các quy hoạch, bãi bỏ một số quy hoạch ngành, toàn bộ quy hoạch về sản phẩm, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Đây là điểm rất mới, rất cách mạng, xóa bỏ tư duy cát cứ, cục bộ trong quy hoạch, gây lãng phí, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ có cải thiện tích cực, doanh nghiệp sẽ bớt chật vật trên con đường làm ăn chân chính.

Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng trên nguyên tắc chính là hỗ trợ DNNVV trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Luật sẽ tạo ra một hệ sinh thái cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nâng đỡ các ý tưởng sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp làm ăn thực thụ.

5. Thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, chứng khoán phái sinh ra đời

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 5

Điểm nổi bật nhất thị trường chứng khoán Việt Nam 2017 chính là chỉ số VN-Index từ mốc 664,87 điểm tăng 44% lên vượt ngưỡng 970 điểm, chỉ còn thấp hơn mức kỷ lục lịch sử 1.179 điểm thiết lập hồi năm 2007. Sự hưng phấn của thị trường đã vượt qua tất cả các dự đoán lạc quan nhất hồi đầu năm. Lần đầu tiên vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán (từ sơ khai lên mới nổi) đã xác định được mốc thời gian vào năm 2020.

Trong năm qua, thị trường chứng khoán phái sinh ra đời có tác động tích cực đến sự minh bạch, tính thị trường của thị trường chứng khoán cơ sở, qua đó sẽ làm tăng tính thanh khoản, tăng quy mô thị trường, hỗ trợ thị trường phát triển ổn định, bền vững và là kênh huy động vốn an toàn, dài hạn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh đã hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước. Nhiều thương vụ thoái vốn thu về giá trị lớn như tại Sabeco, Vinamilk…

6. Môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 6

Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những công việc được Chính phủ đặc biệt ưu tiên triển khai trong năm 2017.

Tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017, Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh của ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất bãi bỏ 34,2% điều kiện kinh doanh và cắt giảm 56,5% thủ tục với khoảng 118 điều kiện kinh doanh dự kiến được cắt giảm, sửa đổi.

Việc cắt bỏ giấy phép con cùng nhiều giải pháp khác giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016, xếp thứ 68/190 nền kinh tế, đứng vị trí thứ 5 trong ASEAN.

7. Xét xử hàng loạt đại án kinh tế

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 7

Nhiều vụ án lớn về kinh tế đã được đưa ra xét xử trong năm 2017 như Vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Vụ án tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group)…

Đáng chú ý, vào tháng 12/2017, ông Đinh La Thăng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Việc khởi tố ông Đinh La Thăng cùng nhiều quan chức ngành dầu khí nói riêng, một số lĩnh vực khác nói chung trong năm qua là thông điệp mạnh mẽ: không có vùng cấm trong xử lý các tội phạm tham nhũng, tham ô, hướng đến mục tiêu làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo, giúp đất nước phát triển bền vững.

8. Quốc hội thông qua nhiều dự án quy mô lớn

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 8

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Nghị quyết số 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án Cao tốc Bắc - Nam là hơn 118.700 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập; hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần.

Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 22.938 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi là gần 5.400ha.

Việc quyết định đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn thể hiện tầm nhìn phát triển dài hạn, thực hiện chủ trương của Đảng về đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp rút ngắn khoảng cách phát triển của Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới.

9. Thiên tai lũ lụt gây ảnh hưởng nặng nề

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 9

Chỉ trong vòng 6 ngày (từ 9/10 - 14/10), mưa lớn kéo dài dẫn đến lũ quét và sạt lở đất đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó Yên Bái và Hòa Bình là hai địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê, trận mưa lũ lịch sử đã làm 68 người chết, 34 người mất tích, 32 người bị thương, 46.117 căn nhà bị sập…

Ngay khi mưa lũ lịch sử tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ đi qua thì Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lại phải gánh chịu hậu quả cơn bão số 12. Bão số 12 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm đã đổ bộ vào nước ta, làm 107 người chết, 16 người mất tích và 342 người bị thương, hơn 165.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó hơn 3.500 nhà bị thiệt hại hoàn toàn.

Trong cả năm 2017, Việt Nam phải hứng chịu 16 cơn bão với những thiệt hại nặng nề về người và tài sản (375 người chết và mất tích, 636 người bị thương, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất khoảng 51.590 tỷ đồng).

10. Kỷ lục thu hút vốn đầu tư nước ngoài

10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật ảnh 10

Năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với năm 2016. Con số này đã vượt xa kỳ vọng 30 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm. Vốn thực hiện ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Nhiều dự án tỷ đô đã đăng ký vào Việt Nam trong năm nay như Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD tại Thanh Hoá; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD tại Khánh Hòa…

Sau 30 năm, đã có hơn 318 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam và 54% số đó đã được thực hiện, đóng góp rất lớn vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Các dự án FDI đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều địa phương và đất nước, tạo số lượng lớn công ăn việc làm, thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế,...