10 sự kiện nổi bật năm 2016

(BĐT) - Năm 2016 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ mới đi vào hoạt động. Báo Đấu thầu bình chọn 10 sự kiện nổi bật nhất tác động đến kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm 2016.
10 sự kiện nổi bật năm 2016

1. Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, diễn ra từ ngày 20 - 28/1/2016, đã thành công tốt đẹp. Đại hội tổng kết 30 năm đổi mới và đề ra định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội diễn ra với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”. Thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng là mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán xây dựng và vận hành một nền kinh tế thị trường đầy đủ, trong đó doanh nghiệp, doanh nhân được đặt vào vị trí trọng tâm, là động lực của đổi mới, sáng tạo và phát triển.

2. Quốc hội thông qua Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là một chương trình hành động rất lớn, toàn diện. Kế hoạch đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng và thông qua tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, với tỷ lệ 82,39% đại biểu tán thành.

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 không phải là một đề án mới, mà là một bước tiếp nối để cập nhật, bổ sung những điểm mới cho giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chuyển đổi dần mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, áp dụng hiệu quả cả chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.

3. Tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu

Năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ ước đạt 6,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu 6,7% được Quốc hội thông qua, và thấp hơn mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình của nhiệm kỳ 2016 - 2020 là 6,5 - 7%/năm.

Giá dầu trên thế giới giảm kéo theo sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng; nông nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, sự cố môi trường, mục tiêu tăng trưởng 10% của xuất khẩu không đạt… là những yếu tố tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2016. Tuy vậy, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, mức tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam được đánh giá là khá, cùng với tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay, môi trường kinh doanh chuyển biến rõ rệt, khu vực kinh tế tư nhân khởi sắc,… Kết quả này đã cho thấy sự quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự giám sát sát sao của các cơ quan dân cử, sự đồng thuận nỗ lực chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân đã đưa nền kinh tế đi vào ổn định.

4. Môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện vượt bậc

Với thông điệp của Thủ tướng Chính phủ chọn năm 2016 là Năm quốc gia khởi nghiệp, và với phương châm Chính phủ hành động, xây dựng Nhà nước kiến tạo, năm 2016 ghi dấu ấn đậm nét về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Năm 2016 là năm cộng đồng doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cả hệ thống chính trị và xã hội. Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực, đơn giản hóa thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (10/2016), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam 2016 tăng tới 9 bậc, xếp thứ 82 trong số 189 quốc gia được xếp hạng.

5. Số doanh nghiệp thành lập mới lập kỷ lục

Từ đầu năm đến ngày 20/12/2016, cả nước có 110.100 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Năm 2016 được đánh giá sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước ta khi đây là năm đầu tiên số lượng DN thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 DN. Làn sóng DN mới thành lập đạt con số kỷ lục ngay trong năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp.

Chủ trương nhất quán từ Đại hội Đảng lần thứ XII là đặt doanh nhân, DN vào trung tâm của sự phát triển, Chính phủ mới với thông điệp xây dựng Nhà nước kiến tạo vì DN, cải thiện môi trường kinh doanh,… đi kèm với đó là hàng loạt chính sách mới đi vào thực thi, trong đó có Luật DN 2014, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020,… đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong việc thành lập, đi vào hoạt động.

6. Nợ Chính phủ vượt trần, báo động nợ công

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2016, nợ của Chính phủ lần đầu được công bố vượt trần 50% GDP năm 2015. Tỷ lệ này tiếp tục tăng lên mức 53,2%, khiến Chính phủ phải xin Quốc hội nới trần nợ công giai đoạn 2016 - 2020. Nợ công được báo động dù ở giới hạn cho phép. Số liệu được Bộ phận nghiên cứu của The Economist cung cấp, và thể hiện trên Đồng hồ đo nợ được cập nhật theo thời gian thực cho thấy, đến ngày 26/12/16, nợ công của Việt Nam được ước tính ở mức 94,85 tỷ USD, tương đương 45,6% GDP. Tính trung bình, mỗi người dân Việt đang gánh 1.039 USD nợ.

Dù đang ở trong giới hạn cho phép nhưng những cảnh báo về việc nợ công đe dọa an ninh tài chính vĩ mô đã được đề cập và thu hút sự quan tâm lớn. Hiện chúng ta đang phải vay để trả nợ và điều này được đánh giá là rất đáng ngại, vì về nguyên tắc, chúng ta vay nên là để đầu tư chứ không phải để trả nợ.

7. Thu hút và giải ngân FDI đạt kết quả ấn tượng

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2016 đạt kết quả ấn tượng. Tính chung cả vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 24,372 tỷ USD, cao hơn con số của những năm gần đây (22,76 tỷ USD – năm 2015 và 21,9 tỷ USD – năm 2014). Giải ngân vốn FDI năm nay cũng vượt mức giải ngân của những năm gần đây. Tổng số vốn FDI thực hiện từ đầu năm đến ngày 26/12/2016 ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% (cùng kỳ năm trước tăng 17,4%), cao hơn mức giải ngân FDI trong cả năm 2015 (12,5 tỷ USD).

Vốn giải ngân tăng cao, nhiều dự án FDI đi vào hoạt động sẽ tạo động lực cho nền kinh tế, tạo ra cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong nước đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; và là tín hiệu cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam tốt lên, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng lựa chọn Việt Nam là điểm đến.

8. Đón số lượt du khách quốc tế kỷ lục

10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 là con số kỷ lục cả về lượng khách và mức tăng trong một năm (tăng 25% so với năm 2015). Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp đón 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu toàn ngành du lịch trong năm 2016 ước đạt 400 ngàn tỷ đồng - một con số có ý nghĩa lớn khi du lịch đang hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. 

Thêm vào đó, ngành du lịch năm qua vinh dự có thêm 3 di sản Việt Nam được thế giới vinh danh, bao gồm: “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế", “Mộc bản trường học Phúc Giang” được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 5/2016, và “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2016.

9. Xuất siêu đạt kỷ lục 2,68 tỷ USD

Năm 2016, cả nước xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu.  Xuất siêu đã quay trở lại và đạt con số kỷ lục trong nhiều năm qua.

Bước vào năm 2016, nỗi lo về nhập siêu quay trở lại đã khiến Chính phủ phải chuẩn bị sẵn để đối phó với tình trạng nhập siêu trong năm. Từ đầu năm 2016, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương tìm cách ứng phó với tình trạng thâm hụt thương mại này. Cụ thể là tăng cường các biện pháp xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường nhập khẩu.

Kết quả năm 2016 đạt được mức xuất siêu cao nhất trong vòng nhiều năm qua ghi nhận nỗ lực lớn trong chỉ đạo, điều hành và sự cố gắng của các ngành, cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 21,35 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 23,7 tỷ USD.

10. Bước ngoặt mới trong quan hệ Việt - Mỹ

Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ cuối năm 2015, tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm chính thức Việt Nam nhằm củng cố chính sách xoay trục sang châu Á, thắt chặt quan hệ về an ninh, kinh tế với một đối tác đang ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực.

Trong chuyến thăm, ông Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, quyết định được đánh giá mang tính bước ngoặt trong mối quan hệ Việt - Mỹ, góp phần nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa đôi bên, đưa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước đi vào thực chất.

Tin cùng chuyên mục