100.000 tấn điều kẹt cứng ở cảng

Vinacas kêu cứu Bộ Giao thông Vận Tải, Công Thương, Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn...
Kẹt ở cảng trong nước do hạn chế lưu lượng giao thông trong giờ cao điểm và do lắp đặt thêm trạm thu phí ở khu vực cảng.
Kẹt ở cảng trong nước do hạn chế lưu lượng giao thông trong giờ cao điểm và do lắp đặt thêm trạm thu phí ở khu vực cảng.

“Hiện nay, có hơn 100 ngàn tấn điều thô đang lênh đênh trên biển chưa vào đất liền vì bị kẹt ở cảng đi, cảng trung chuyển và cảng đến trong nước. Lý do kẹt có cả chủ quan lẫn khách quan, về phía trong nước sẽ dễ xử lý. Còn tại nước ngoài thì khó hơn, phải nhờ đến các bộ, ngành liên quan can thiệp giúp”, ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phản ánh.  

Tình hình đã diễn ra hơn tháng nay nhưng thời điểm gần đây xảy ra tương đối nghiêm trọng và Vinacas đã có công văn hỏa tốc phản ánh lên các cơ quan chức năng, đề nghị làm việc với các hãng tàu nước ngoài, xem xét lý do để có hướng xử lý.

Mắc kẹt cứng ở cả ba cảng

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho biết, thông thường thời gian vận chuyển kể từ lúc xếp hàng lên tàu tới cảng tối đa chỉ từ 30-45 ngày, nhưng hiện nay thời gian vận chuyển đến mất 60-70 ngày.

Có lô hàng về gần tới cảng đến thì mới có vận đơn gốc (Bill of Lading), có lô hàng nằm tại cảng trung chuyển (Malaysia, Singapore) 30 ngày trước khi về Việt Nam. Khi về tới Việt Nam lại bị kẹt tại cảng Cát Lái, do hàng hóa ùn ứ dẫn đến việc thông quan rất chậm. Một số cầu cân tại khu vực cảng quá tải...

Do thời gian vận chuyển kéo dài, doanh nghiệp sẽ không có đủ lượng hàng đưa vào sản xuất kịp thời để giao hàng cho các đơn hàng xuất khẩu điều nhân đã ký, sẽ bị khách hàng khiếu nại và yêu cầu đền bù hợp đồng.

Ngoài ra, cả người bán lẫn người mua phải chịu lãi ngân hàng lớn và mất hạn mức ngân hàng do thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài. Việc trì hoãn vận chuyển của các hãng tàu, vì bất cứ lý do gì cũng gây ra những tổn thất nặng nề cho cả người bán lẫn người mua.

Đặc biệt, do đặc thù của hàng hóa vận chuyển từ châu Phi về là hạt điều thô thường được xếp hàng lên container khi độ ẩm còn cao (>10%), thời gian vận chuyển kéo dài, khi về tới Việt Nam, nguyên liệu sẽ bị giảm phẩm cấp, chất lượng, mọc mầm gây tổn thất nặng nề cho các doanh nghiệp.

Ông Đăng Thịnh, Giám đốc Công ty Toàn Thịnh cho biết, hiện các doanh nghiệp điều đang gặp hai khó khăn lớn.

Một là, giá điều thô quá cao, doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn khá lớn để mua hàng, nên dễ bị ảnh hưởng bởi lãi suất nếu thời gian vận chuyển kéo dài.

Hai là, vận chuyển điều thô từ các nước châu Phi đến cảng trung chuyển Malaysia, Singapore... bị kẹt. Khi đưa hàng về Việt Nam, do áp lực từ khách hàng, các hãng tàu đưa cùng lúc một khối lượng hàng rất lớn khiến cho việc giải phóng hàng tại cảng Cát Lái bị quá tải.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/6/2017, đường vào khu công nghệ cao quận 9 đến cảng Cát Lái bị cấm từ 6 giờ sáng đến 22 giờ, chỉ còn một con đường duy nhất. Đặc biệt, con đường này không thu phí, nên các xe tải chờ đến 10 giờ đêm mới vào cảng nhận hàng, khiến tình trạng ách tắc càng nghiêm trọng hơn.

Doanh nghiệp rất lo vì cứ hàng về là kẹt, làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và giao điều nhân, chưa kể chất lượng điều thô bị giảm đáng kể.

Mong chính quyền mở lại đường vào cảng

Vinacas đã báo cáo hỏa tốc và đề nghị các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam tư vấn và có những giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngành điều.

Theo các doanh nghiệp điều, trước đây tàu hàng về từ từ nên không bị ảnh hưởng gì. Năm nay các cảng trung chuyển bị kẹt tàu, đến lúc có tàu thì toàn bộ lượng điều tồn đọng tại cảng được đưa hết về Việt Nam.

Về tới cảng Việt Nam, do áp lực cần hàng sản xuất cộng với nỗi lo hàng hóa nằm lâu trong container bị mất phẩm chất nên các doanh nghiệp lấy hàng ồ ạt. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là đường vào Khu công nghệ cao dẫn vào cảng Cát Lái bị cấm.

Áp lực chồng áp lực, khiến cảng Cát Lái kẹt cứng, còn doanh nghiệp điều thì như ngồi trên lửa.

“Chúng tôi rất mong chính quyền Tp.HCM mở lại con đường vào cảng như trước ngày 1/6 và có thể đặt trạm thu phí, như vậy việc nhận hàng của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Hầu hết các doanh nghiệp điều đang trong tâm trạng giải phóng điều thô tại cảng nhanh chừng nào tốt chừng ấy”, ông Toàn nhấn mạnh

Trước tình trạng trên, ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Vinacas cho biết, Bộ Công Thương đang trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải để tìm phương án giải quyết. Bộ cho biết kẹt ở cảng nước ngoài thì sẽ phải xem xét nhiều yếu tố để làm việc với các bên liên quan.

Kẹt ở cảng trong nước vì từ ngày 1/6/2017, do hạn chế lưu lượng giao thông trong giờ cao điểm và do lắp đặt thêm trạm thu phí ở khu vực cảng. Tuy nhiên những vấn đề trong nước đều có thể xử lý được.

Tin cùng chuyên mục