Bản tin thời sự sáng 26/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nước về các hồ thủy điện lớn giảm; Việt Nam phản đối Trung Quốc phát lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông; ngành thuế nắm dữ liệu ngân hàng của hơn 120 triệu tài khoản cá nhân; hơn 6.100 tỷ đồng cải tạo 1,5 km rạch ở nội đô TP.HCM…

Nước về các hồ thủy điện lớn giảm

Nguồn nước về các hồ thủy điện lớn giảm 5 - 15% so với cùng kỳ, nhưng do chủ động tích nước nên dự báo năm nay sẽ không xảy ra tình trạng thiếu như 2023.

Mực nước tại hồ thủy điện Sơn La

Mực nước tại hồ thủy điện Sơn La

Chiều 25/4, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 4 tháng đầu năm, dòng chảy thượng nguồn sông Đà đến hồ Lai Châu giảm 5 - 15% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, tháng 1 giảm hơn 40%, mức này thấp hơn trung bình 5 năm qua khoảng 27%.

So với mực nước bình quân 5 năm, nước về các hồ thủy điện tháng 1 và 4 thấp hơn khoảng 50 - 60%.

Nước về giảm nên tổng dung tích các hồ chứa thủy điện lớn trên sông Hồng thấp hơn mức thiết kế. Chẳng hạn, lượng nước tại hồ Lai Châu đạt 90% dung tích thiết kế; Sơn La 91%; Hòa Bình 93%; Tuyên Quang và Thác Bà lần lượt 79% và 64%.

Theo quy luật, tháng 5 là thường thời điểm xuất hiện lũ tiểu mãn (lũ do mưa rào vào thời kỳ tiết tiểu mãn). Nhưng cơ quan dự báo cho biết, năm nay khu vực Bắc Bộ sẽ chưa có dấu hiệu lũ tiểu mãn trong khoảng thời gian này.

Ngoài ra, tháng 5 - 9 dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt 30 - 40% so với trung bình nhiều năm. Tương tự, dòng chảy đến hồ Thác Bà trên sông Chảy và hồ Tuyên Quang trên sông Gâm có khả năng thiếu hụt 20 - 30%.

Tháng 5 - 7 là cao điểm nắng nóng tại Bắc Bộ và năm nay số đợt nắng cao hơn trung bình nhiều năm. Như tại khu vực Tây Bắc khoảng 4 - 5 đợt, đồng bằng Bắc Bộ 6 - 8 đợt.

Tuy vậy, đại diện một số nhà máy thủy điện cho biết, nhờ tích nước từ trước nên dự kiến năm nay sẽ không thiếu nước cho phát điện.

Lãnh đạo Công ty Thủy điện Sơn La, đơn vị vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu, cho hay hiện mực nước thượng lưu ở hồ Sơn La là hơn 210 m, Lai Châu gần 290 m. Mực nước nước này lần lượt cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 19 m và 25 m.

Hiện, trên lưu vực sông Đà có 3 nhà máy thủy điện, gồm Sơn La công suất 2.400 MW, Lai Châu 1.200 MW và Hòa Bình 1.920 MW. Thủy điện và nhiệt điện là 2 nguồn cung ứng điện chủ yếu cho miền Bắc. Tháng 6/2023, nhiều nhà máy thủy điện ở phía Bắc ghi nhận nước trong hồ xuống thấp, dưới mực nước chết. Điều này khiến 11 nhà máy phải dừng phát, dẫn tới tình trạng thiếu điện diện rộng ở miền Bắc.

Việt Nam phản đối Trung Quốc phát lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông

Lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc ban hành ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Tàu cá Việt Nam hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa

Tàu cá Việt Nam hoạt động trên ngư trường Hoàng Sa

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc ban hành ở Biển Đông không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Bà Hằng nói rằng, lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định rõ trong những năm qua.

"Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển Việt Nam, không làm phức tạp thêm tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.

Phát biểu được người phát ngôn đưa ra khi bình luận về thông tin giới chức Trung Quốc ban hành "lệnh cấm đánh bắt cá thường niên" có hiệu lực tại 4 vùng biển xung quanh nước này gồm Biển Đông, biển Hoa Đông, Bột Hải và Hoàng Hải từ ngày 1/5 - 16/9.

Lệnh cấm của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông bao trùm khu vực từ vĩ tuyến 12 đến phía Bắc đảo Đài Loan, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trung Quốc hàng năm ngang nhiên đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt với cả ngư dân nước khác, tuyên bố sẽ tăng cường giám sát để bắt và xử phạt các trường hợp bị coi là vi phạm.

Ngành thuế nắm dữ liệu ngân hàng của hơn 120 triệu tài khoản cá nhân

Cơ quan thuế nắm dữ liệu của hơn 121 triệu tài khoản cá nhân và 9 triệu tài khoản tổ chức tại 96 ngân hàng thương mại.

Ngành thuế nắm dữ liệu ngân hàng của hơn 120 triệu tài khoản cá nhân. Ảnh minh họa

Ngành thuế nắm dữ liệu ngân hàng của hơn 120 triệu tài khoản cá nhân. Ảnh minh họa

Thông tin này được đại diện Tổng cục Thuế cho biết tại họp báo chiều 25/4. Việc thu thập dữ liệu này được cơ quan này thực hiện sau yêu cầu của Thủ tướng vào năm ngoái về kết nối và chia sẻ dữ liệu để chống thất thu thuế.

Theo Tổng cục Thuế, hiện các bộ, ngành bước đầu hoàn thành chia sẻ dữ liệu, kết nối với ngành thuế theo hình thức điện tử và hỗ trợ quản lý kênh thương mại điện tử.

Hiện, cơ quan thuế nắm dữ liệu của hơn 9 triệu tài khoản tổ chức và 121 triệu tài khoản cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Thực tế, hiện một cá nhân, tổ chức có thể mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau, nhằm thuận tiện trong giao dịch.

Việc cung cấp dữ liệu tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế được thực hiện theo Nghị định 126/2020 và Luật Quản lý thuế 2019. Theo đó, các thông tin như giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch được ngân hàng cung cấp theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan thuế. Việc này nhằm thanh, kiểm tra nghĩa vụ thuế phải nộp. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật khai thác, lưu trữ thông tin tài khoản của người nộp.

Từ dữ liệu do ngân hàng cung cấp, cơ quan thuế sẽ lọc ra danh sách những người kinh doanh online nhưng chưa kê khai và nộp thuế lên làm việc. Thời gian qua, nhiều người bán hàng online đã bị truy thu số tiền khá lớn, từ vài chục cho tới hàng trăm triệu đồng.

Ngoài dữ liệu tài khoản ngân hàng, ngành thuế cũng nắm thông tin của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và 130 tổ chức trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn, ngành thuế gặp thách thức không nhỏ trong quản lý, thu khi thương mại điện tử phát triển mạnh. Thời gian vừa qua, cơ quan này đã có nhiều giải pháp tăng quản lý thuế với lĩnh vực này.

Năm 2023, doanh thu quản lý thuế qua kênh thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146 tỷ USD), với số thuế đã nộp 97.000 tỷ đồng, tăng 14% so với một năm trước đó.

Hơn 6.100 tỷ đồng cải tạo 1,5 km rạch ở nội đô TP.HCM

Rạch Văn Thánh dài khoảng 1,5 km qua quận Bình Thạnh ước tính cần hơn 6.100 tỷ đồng để bồi thường, cải tạo, giúp giảm ô nhiễm, chỉnh trang đô thị khu nội thành.

Dãy nhà lụp xụp ven rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, kế bên là các cao ốc và đoạn trên cao Metro Bến Thành - Suối Tiên chạy qua

Dãy nhà lụp xụp ven rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh, kế bên là các cao ốc và đoạn trên cao Metro Bến Thành - Suối Tiên chạy qua

Đây là 1 trong 3 dự án trọng điểm đang được Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất bổ sung vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, nhằm bố trí vốn thực hiện trước công tác đền bù và di dời khoảng 1.063 hộ sống ven bờ.

Tổng kinh phí bồi thường ước tính hơn 4.900 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây dựng, tư vấn, quản lý dự án, dự phòng...

Theo Sở Xây dựng, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Công trình được đề xuất thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2028, trong đó việc giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện trước, thi công sau.

Rạch Văn Thánh dài khoảng 1,5 km, từ cầu Điện Biên Phủ đến ngã ba kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chảy qua các phường 19, 21, 22, quận Bình Thạnh. Đây là một trong những tuyến rạch đóng vai trò quan trọng giúp thoát nước, giảm ngập cho khu vực. Tuy nhiên, nhiều năm qua rạch bị lấn chiếm, bồi lấp, ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng người dân.

Dự án cải tạo rạch Văn Thánh trước đây được TP.HCM dự tính triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, cách này không khả thi nên được tính toán chuyển qua đầu tư bằng vốn ngân sách.

Bình Dương có nhiều thành phố nhất nước

Với việc lên thành phố, Bến Cát là thành phố thứ 5 của tỉnh Bình Dương sau Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên.

Một góc thành phố Bến Cát ngày nay

Một góc thành phố Bến Cát ngày nay

Sáng 25/4, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Bến Cát.

TP. Bến Cát rộng hơn 234 km2, dân số gần 364.600, gồm 7 phường: An Điền, An Tây, Chánh Phú Hòa, Hòa Lợi, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa và xã Phú An. Địa phương giáp huyện Củ Chi, TP.HCM.

Từ vùng đất thuần nông, Bến Cát là địa phương có tốc độ nhanh về phát triển kinh tế, công nghiệp. Hiện nơi đây có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.030 ha, một khu sản xuất tập trung với quy mô 47,7 ha. Đến năm 2022, có 692 dự án vốn đầu tư trong nước ở Bến Cát với tổng vốn 4.731 tỷ đồng...

Định hướng đến năm 2030, Bến Cát là đô thị công nghiệp - dịch vụ; đến 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông; có hệ thống giao thông phát triển mạnh, kết nối thông suốt với các đường trọng điểm, các khu công nghiệp, đô thị phía nam của tỉnh.

Theo Tổng cục Thống kê, Bình Dương (rộng 2.700 km2, dân số 2,7 triệu) là tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước năm 2021 với 7,12 triệu đồng mỗi người mỗi tháng, gấp 1,8 lần mức bình quân chung cả nước. Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 10% trên năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người hơn 15.700 USD. Ngoài 5 thành phố, tỉnh còn có 4 huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên và Dầu Tiếng.

Hiện, địa phương có 4 thành phố trực thuộc là Quảng Ninh, các tỉnh có ba thành phố là Đồng Tháp, Kiên Giang, Thái Nguyên.

Lâm Đồng cấm xe tải hạng nặng lưu thông đèo Bảo Lộc giờ cao điểm dịp 30/4-1/5

Trong 5 ngày (từ ngày 27/4 - 1/5 tới), tuyến đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, sẽ thực hiện cấm xe ôtô tải có trọng tải toàn bộ trên 20 tấn như xe vận chuyển khoáng sản, vật liệu xây dựng, đất, đá.

Các phương tiện lưu thông qua đèo Bảo Lộc

Các phương tiện lưu thông qua đèo Bảo Lộc

Ngành giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản hướng dẫn phân luồng tổ chức giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trên các tuyến đường từ các tỉnh, thành phía Nam lên thành phố Đà Lạt.

Theo văn bản trên, từ ngày 27/4 - 1/5, các phương tiện tham gia giao thông được lưu thông 2 chiều trên tuyến đèo Prenn vào đèo Mimosa như phương án tổ chức giao thông hiện tại; đèo Prenn vẫn cấm ôtô tải. Tùy thuộc tình hình giao thông thực tế, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ chủ động, linh hoạt điều tiết giữa 2 tuyến đường để đảm bảo chống ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông.

Tuyến đèo Bảo Lộc trong 5 ngày trên sẽ thực hiện cấm xe ôtô tải có trọng tải toàn bộ trên 20 tấn (loại xe vận chuyển khoáng sản, vật liệu xây dựng, đất, đá...). Trong đó, chiều lên theo hướng từ huyện Đạ Huoai lên thành phố Bảo Lộc thực hiện cấm xe tải hạng nặng từ 10 - 17 giờ các ngày 27, 28/4 và 1/5; chiều xuống theo hướng từ thành phố Bảo Lộc đi huyện Đạ Huoai cấm xe tải hạng nặng từ 10 - 17 giờ các ngày 27/4 và 1/5; từ 14 - 20 giờ ngày 30/4.

Lực lượng cảnh sát giao thông được yêu cầu bố trí quân số tuần tra kịp thời chủ động, linh hoạt điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo không để xảy ra ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông. Thanh tra Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng, sẵn sàng phối hợp với cảnh sát giao thông tham gia điều tiết giao thông trên các tuyến đường.

Trong nhiều năm qua, tuyến Quốc lộ 20 từ TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam lên thành phố Đà Lạt luôn bị quá tải do lưu lượng giao thông tăng đột biến trong các kỳ nghỉ lễ, Tết.

Tình trạng ách tắc trên đèo Bảo Lộc và đèo Prenn đã trở thành nỗi ám ảnh của du khách khi đến với thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Sau khi Dự án nâng cấp, mở rộng đèo Prenn hoàn thành trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tuyến đường này đã không còn xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, tình trạng ách tắc trên đèo Bảo Lộc vẫn thường xảy ra.

TP.HCM xem xét đổi tên 4 quốc lộ qua địa bàn

Quốc 1, 22, 50 và 1K đoạn qua địa bàn thành phố được xem xét đổi tên theo các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải.

Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An, huyện Bình Chánh dài 9,4 km, được đề xuất đặt tên Lê Khả Phiêu

Quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An, huyện Bình Chánh dài 9,4 km, được đề xuất đặt tên Lê Khả Phiêu

Phương án đổi tên 4 tuyến đường đang được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM gửi các quận huyện liên quan lấy ý kiến người dân để thống nhất triển khai.

Theo đó, Quốc lộ 1 qua địa bàn Thành phố có 3 đoạn được đề xuất đổi tên. Trong đó, đoạn một dài 21 km, từ nút giao Thủ Đức (ngã ba Trạm hai cũ) đến ngã tư An Sương dự kiến đặt tên Đỗ Mười. Đoạn hai từ An Sương đến An Lạc, dài hơn 14 km, dự kiến đặt tên Lê Đức Anh. Đoạn ba từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An dài 9,4 km, được đề xuất đặt tên Lê Khả Phiêu.

Quốc lộ 22 có cũng có 2 đoạn được lấy ý kiến đổi tên. Trong đó, đoạn một từ nút giao Quốc lộ 1 đến cầu An Hạ, dài 10 km dự kiến đặt tên Lê Quang Đạo. Đoạn hai từ cầu An Hạ đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh, dài khoảng 20 km dự kiến đổi tên thành Phan Văn Khải.

Quốc lộ 50 được đề xuất đặt tên Văn Tiến Dũng cho đoạn dài gần 11 km, từ cầu Nhị Thiên Đường đến giáp ranh tỉnh Long An. Cuối cùng là Quốc lộ 1K, đoạn dài khoảng 1,8 km từ nút giao Quốc lộ 1 đến giáp ranh tỉnh Bình Dương, dự kiến đặt tên Hoàng Cầm.

Hiện, 4 tuyến quốc lộ trên đều là trục giao thông huyết mạch ở các cửa ngõ ra vào Thành phố. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, việc đặt tên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh cho các tuyến quốc lộ là hoạt động ý nghĩa để năm sau chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước (1975 - 2025).

Khánh Hòa sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao vào dịp lễ 30/4 - 1/5

Ngày 25/4, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản giao các đơn vị liên quan tổ chức hoạt động bắn pháo hoa tầm thấp và tầm cao sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý.

Khánh Hòa sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao vào dịp lễ 30/4-1/5

Khánh Hòa sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm cao vào dịp lễ 30/4-1/5

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức bắn pháo hoa nổ tầm thấp và tầm cao tại Khánh Hòa.

Căn cứ các quy định liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có công văn trả lời, đồng ý để Khánh Hòa tổ chức bắn pháo hoa nổ tầm thấp, với số lượng 20 giàn bắn/lần, thời lượng 5 phút vào 19h các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần từ ngày 3/5 đến hết 31/12.

Tổ chức điểm bắn pháo hoa nổ tầm cao với số lượng 50 giàn/lần, thời lượng 5 phút vào lúc 19h ngày 30/4, 1/5 và các ngày 8/8, 1/9, 2/9, 31/12, ngày 1/1/2025.

Địa điểm tổ chức bắn pháo hoa là khu du lịch VinWonders Nha Trang - Đảo Hòn Tre, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu Khánh Hòa tổ chức bắn pháo hoa nổ phải tuân thủ các quy định, bảo đảm tuyệt đối an toàn, không sử dụng ngân sách Nhà nước và không tổ chức bắn khi có yêu cầu ngừng các hoạt động vui chơi giải trí…

Khởi tố Phó Chủ tịch UBND Long Xuyên liên quan đến sai phạm về đất đai

Bị can Đào Văn Ngọc bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất xảy ra trên địa bàn thành phố Long Xuyên.

Cơ quan Điều tra đọc lệnh bắt và khám xét đối với ông Đào Văn Ngọc

Cơ quan Điều tra đọc lệnh bắt và khám xét đối với ông Đào Văn Ngọc

Sáng 25/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh An Giang tống đạt các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với bị can Đào Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang phê chuẩn.

Theo thông tin ban đầu, bị can Đào Văn Ngọc bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ án vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất xảy ra trên địa bàn thành phố Long Xuyên.

Liên quan đến vụ án, trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh An Giang đã khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng Nguyễn Bảo Sinh (trú khóm Đông An 2, phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên), Phó Chủ tịch UBND thành phố Long Xuyên; Nguyễn Thanh Phong, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Long Xuyên; Nguyễn Thiện Thanh, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Long Xuyên; Huỳnh Lê Phong, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Long Xuyên.

Các bị can cùng bị khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.