Bản tin thời sự sáng 25/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là các nghệ sỹ đã biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hà Nội) thành không gian nghệ thuật ánh sáng; gần 12.000 vé bị trả lại do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió; đề nghị phạt nguội người đi xe máy vi phạm giao thông; thu ngân sách nhà nước hơn 490.000 tỷ đồng trong quý I…

Các nghệ sỹ đã biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hà Nội) thành không gian nghệ thuật ánh sáng

Các nghệ sỹ đã biến cầu đi bộ Trần Nhật Duật (Hà Nội) thành không gian nghệ thuật ánh sáng với chủ đề "Nước" lung linh, kích thích thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị.

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật lung linh trong ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật lung linh trong ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng

Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa chính thức ra mắt, tạo thêm một điểm nhấn tham quan cho người dân và du khách.

Dự án do một nhóm nghệ sỹ ở Hà Nội thực hiện, chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5.

Cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật là một lối giao thông đi bộ kết nối khu Phố cổ Hà Nội và khu vực Phúc Tân, cửa khẩu Thanh Yên, quận Hoàn Kiếm.

Hằng ngày, người sử dụng cầu đa phần là những người lớn tuổi, người bán hàng gánh rong và học sinh. Mật độ người qua lại không quá cao. Buổi tối ánh sáng chưa đủ nên mặt cầu khá tối.

Từ hiện trạng trên, nhóm nghệ sỹ có ý tưởng biến cây cầu đi bộ trở nên vui tươi, sinh động, được thắp sáng thêm vào buổi tối bởi ánh sáng của các tác phẩm sắp đặt nghệ thuật công cộng, trong đó có phần được sử dụng từ vật liệu tái chế.

Với chủ đề “Nước,” các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí trên cây cầu đi bộ, qua đó biến hóa cây cầu trở thành một bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng.

Tác phẩm “Thủy cung” của họa sỹ Vũ Xuân Đông gợi cảm giác giống như một đường hầm thủy cung đầy hấp dẫn với đủ loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu.

Các loài cá, mực, sứa… được làm từ vỏ chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa, nylon tái chế… được thu gom từ khắp nơi trong Thành phố.

Dọc suốt hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề “Sóng” của họa sỹ Lê Đăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Phía chân cầu thang đi bộ, từ cả 2 hướng được vẽ các bức “Cá chép vượt vũ môn” từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống.

Cây cầu trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân, khu Phố cổ và địa điểm Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.

Gần 12.000 vé bị trả lại do sự cố sạt lở hầm Bãi Gió

Hầm Bãi Gió bị sạt lở trong 10 ngày, khách trả lại gần 12.000 vé khiến Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh thiệt hại hơn 19 tỷ đồng.

Hàng hóa ách tắc ở ga Hòa Huỳnh (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được chuyển tải qua các xe container

Hàng hóa ách tắc ở ga Hòa Huỳnh (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được chuyển tải qua các xe container

Thông tin được nêu trong báo cáo của Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngày 24/4.

Theo đó, từ lúc xảy ra sự cố, ngành đường sắt đã tổ chức chuyển tải 30.100 hành khách bằng ôtô từ ga Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và ngược lại (tương đương với 110 chuyến tàu); phục vụ ăn uống miễn phí cho khách bị ảnh hưởng; cùng với chi phí cho các lực lượng phục vụ chuyển tải với tổng kinh phí khoảng 8,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhiều chuyến tàu hàng phải ngừng chạy, hàng không thể xếp đi cùng tàu khách, nên hàng trăm nghìn tấn hàng phải chuyển tải bằng đường bộ; khoảng 11.700 vé bị khách trả lại do sự cố sạt lở. Thiệt hại về hàng hóa là hơn 10,4 tỷ đồng (tính riêng của Công ty Vận tải Sài Gòn)

Ngành đường sắt cho biết đang làm việc với các cơ quan bảo hiểm để đền bù thiệt hại trong quá trình chuyển tải hành khách, vận chuyển hàng hóa, tàu chậm.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết đang thống kê chi phí sửa chữa hầm Bãi Gió, hiện chưa có con số cụ thể.

Đề nghị phạt nguội người đi xe máy vi phạm giao thông

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị phạt nguội người đi xe máy giống như người đi ôtô do vi phạm, tai nạn liên quan đến phương tiện này tăng.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị phạt nguội người đi xe máy giống như người đi ôtô do vi phạm

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị phạt nguội người đi xe máy giống như người đi ôtô do vi phạm

Tại Hội nghị sơ kết an toàn giao thông 3 tháng đầu năm sáng 24/4, Bộ trưởng Thắng đánh giá, hoạt động tuần tra, kiểm soát vi phạm theo chuyên đề, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn, xe quá tải, lái xe sử dụng ma túy... của cảnh sát đã góp phần rất lớn trong kéo giảm tai nạn giao thông, được nhân dân ủng hộ.

Lực lượng chức năng đã làm tốt việc phạt nguội người đi ôtô vi phạm. Nhưng người đi xe máy vi phạm rất nhiều, vượt đèn đỏ khá phổ biến mà chưa bị xử lý. Ông Thắng đề nghị, tăng cường kiểm soát, phạt nguội đối với người đi xe máy, bởi xe máy vẫn là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80 - 90% số phương tiện lưu thông trên đường.

"Nếu chúng ta cải thiện được hành vi của người đi xe máy, chắc chắn sẽ kéo giảm tai nạn giao thông hơn nữa trong thời gian tới", ông Thắng nói.

Điểm lại một số vụ tai nạn liên quan đến trẻ em tại Biên Hòa, Bình Dương, Bộ trưởng Thắng nói bảo đảm an toàn cho trẻ em là nhiệm vụ quan trọng. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 31 về bảo đảm tình hình trật tự an toàn giao thông liên quan đến học sinh, các cơ quan được giao nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện tốt nhất.

Do đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành vi giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, phối hợp với nhà trường để có hình thức xử lý phù hợp với hành vi vi phạm giao thông của học sinh.

Thu ngân sách nhà nước hơn 490.000 tỷ đồng trong quý I

Tổng cục Thuế cho biết, trong 3 tháng đầu năm, thu ngân sách đạt 490.196 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 474.460 tỷ đồng, bằng 116% so với dự toán quý I, bằng 32,9% dự toán năm 2024, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu ngân sách nhà nước hơn 490.000 tỷ đồng trong quý I. Ảnh minh họa

Thu ngân sách nhà nước hơn 490.000 tỷ đồng trong quý I. Ảnh minh họa

So với dự toán, hết quý I, có 10 trên 20 khoản thu sắc thuế đạt khá và 14 trên 20 khoản thu, sắc thuế tăng trưởng so cùng kỳ năm 2023. Với tiến độ thu tại 63 cục thuế các tỉnh, thành phố trên cả nước, có 35 cục thuế tiến độ thu thực hiện đạt trên 30% dự toán.

Tổng số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm trong 3 tháng đầu năm ước đạt hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng ước khoảng 8.200 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường ước khoảng hơn 9.800 tỷ đồng.

Trong quý I, cơ quan thuế đã ban hành 4.472 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 31.892 tỷ đồng, bằng 18,7% dự toán, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Mai Xuân Thành -Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, số thu ngân sách quý I do cơ quan thuế quản lý đạt khả quan so với dự toán và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu ngân sách vẫn còn khó khăn, thách thức và tiềm ẩn rủi ro rất lớn, do vậy, toàn ngành không thể chủ quan.

Đề xuất dùng 2.095 tỷ đồng từ ngân sách để nâng cấp dự án mà Tập đoàn Thuận An đang làm dở

Khánh Hòa đề xuất Bộ Giao thông vận tải dùng 2.095 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp Dự án thành phần 1 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1). Phạm vi nâng cấp có chồng lên gói thầu mà Tập đoàn Thuận An đang thi công cao tốc.

Việc thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang chậm do vướng mặt bằng

Việc thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang chậm do vướng mặt bằng

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Khánh Hòa xác nhận, địa phương đã có văn bản gửi Bộ GTVT về nội dung đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, có chiều dài 32 km, tổng mức đầu tư khoảng 5.632 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027.

Giai đoạn 1 của dự án này đã lựa chọn được 2 nhà thầu (chỉ định thầu) là Tập đoàn Sơn Hải (Gói thầu xây lắp 1) và Tập đoàn Thuận An (Gói thầu xây lắp 2).

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa, việc nâng cấp, mở rộng sẽ được thực hiện trên chiều dài 31,5 km trong đó, tập trung từ Km8+500 đến Km32+00.

Việc đầu tư nâng cấp được thực hiện trong đó có "chồng" lên 10km đường cao tốc mà liên danh do Tập đoàn Thuận An đứng đầu, đang thi công dang dở.

Nếu được thông qua, cơ quan chức năng sẽ sử dụng 2.095 tỷ đồng nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện mở rộng mặt cắt ngang đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường Bnền = 24,75 m, gồm: 4 làn xe cơ giới 3,75 m, chiều rộng dải phân cách giữa và dải an toàn trong 2,25 m, chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp mỗi bên rộng 3 m và chiều rộng lề đất 1,50 m; đầu tư bổ sung hoàn chỉnh các hạng mục như trạm kiểm soát tải trọng xe, hệ thống ITS...

Nhiều xe chở hàng Việt Nam bị giữ tại Trung Quốc

Do tranh chấp hợp đồng và bảo quản hàng hóa chưa đạt chuẩn, từ năm ngoái đến nay, hơn 100 xe chở hàng của Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc.

Xe thông quan tại cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai, qua Trung Quốc. Ảnh minh họa
Xe thông quan tại cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai, qua Trung Quốc. Ảnh minh họa

Trong văn bản gửi các hiệp hội doanh nghiệp Tỉnh ngày 24/4, Ban quản lý khu kinh tế Lào Cai cảnh báo tình trạng phương tiện Việt Nam bị giữ tại Hà Khẩu (Trung Quốc) gia tăng.

Số liệu thống kê cho thấy, từ 2023 đến nay đã có trên 100 phương tiện vận tải Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc. Lý do, theo Ban Quản lý khu kinh tế Lào Cai, là lái xe không thực hiện đúng trách nhiệm bảo quản hàng hóa, gây tổn hại chất lượng sản phẩm. Do đó, hai bên không thống nhất được bồi thường và xe bị giữ không được xuất cảnh về nước. Ngoài ra, doanh nghiệp hai bên còn xảy ra một số tranh chấp khác trong việc thực hiện hợp đồng, nên phía Trung Quốc giữ xe và yêu cầu bồi thường bằng tiền mặt.

Ban Quản lý khu kinh tế Lào Cai cho biết, nhà chức trách Việt Nam đang tích cực phối hợp giải quyết, tháo gỡ vấn đề trên. Tuy nhiên, tới nay, tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để.

Cơ quan này đề nghị phía doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cần thống nhất các điều khoản cụ thể và ghi nhận trong hợp đồng để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Đồng thời, doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm để bảo vệ uy tín hàng hóa xuất khẩu.

Năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông sản qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai diễn ra sôi động. Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022 đạt 2 tỷ USD.

Những tháng đầu năm nay, Trung Quốc tăng nhập nông sản Việt Nam. Nhiều nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ trong 3 tháng đầu năm, trong đó, tăng mạnh nhất là sầu riêng. Sắp tới, khi dừa và sầu riêng đông lạnh được xuất chính ngạch, kim ngạch xuất khẩu hàng qua Lào Cai được dự báo tăng, kỳ vọng đạt 4,5 tỷ USD.

Trạm dừng trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoạt động

Trạm dừng tạm rộng 4.000 m2 trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã hoàn thành, phục vụ người đi đường trong dịp nghỉ lễ 30/4.

Các xe dừng tại trạm trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Các xe dừng tại trạm trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Sáng 24/4, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, sau 1 tuần gấp rút thi công, trạm dừng trên đoạn cao tốc này đã đưa vào sử dụng. Trạm đặt tại xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, với 6 nhà vệ sinh, điện, nước, bãi đỗ xe, phục vụ khách từ hướng TP.HCM ra Nha Trang. Người dùng không phải trả phí.

Cách hai trạm trên 115 km, hai trạm dừng tạm ở cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng được chủ đầu tư xây dựng hai bên nút giao tỉnh lộ 709, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận). Hiện các nhà vệ sinh được lắp đặt, hoàn thiện nhà chờ, dự kiến đưa vào sử dụng ngày 25/4.

Còn trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, ban quản lý dự án cũng đang triển khai thi công hai trạm tạm (mỗi trạm rộng một ha nằm đối diện nhau) tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) giáp ranh Đồng Nai. Các hạng mục nhà vệ sinh lưu động, hệ thống điện nước, biển báo, đường ra vào... đang được thi công, dự kiến hoàn tất trước 30/4.

Ngoài 6 trạm dừng trên, các cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm sẽ hoàn thành hệ thống dừng nghỉ trước 30/4, theo yêu cầu của Cục Quản lý đường cao tốc.

Tin cùng chuyên mục