Hệ thống hạ tầng Việt Nam ngày càng khang trang, bề thế. Ảnh: Tuấn Anh |
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Sáng ngày 29/4/2023, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Thuận tổ chức khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 63,37 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa với quy mô giai đoạn 1 là 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, sau khi hoàn thành đã giúp rút ngắn thời gian từ TP.HCM đi TP. Phan Thiết (Bình Thuận) từ 5 - 6 giờ còn 2 giờ.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 khởi công ngày 17/6/2023. Đây là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia. Dự án có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng, tổng chiều dài 188,2 km, đi qua 4 tỉnh, thành gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.
Một số nhà thầu lớn tham gia xây dựng Dự án là: Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam, Công ty TNHH Tập đoàn Định An, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, Công ty CP Dịch vụ và Thương mại 68, Công ty CP 471, Công ty CP Đầu tư xây lắp Miền Nam, Công ty TNHH Liên hợp xây dựng Vạn Cường, Công ty CP Hải Đăng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, Công ty CP Xây dựng Tân Nam, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)… Dự án dự kiến sẽ hoàn thành năm 2027, được kỳ vọng là 1 trong 6 tuyến cao tốc làm thay đổi Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.
Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài
Sáng ngày 17/6/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tổ chức Lễ khánh thành Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.177,5 tỷ đồng với kiến trúc độc đáo được lấy cảm hứng từ kiến trúc cung đình Huế. Công trình được khởi công cuối năm 2019, do Liên danh Vinaconex - Công ty CP Kết cấu thép ATAD - Công ty CP Dịch vụ và Kỹ thuật cơ điện lạnh R.E.E - Công ty CP Cầu 7 Thăng Long thi công.
Đây là nhà ga đầu tiên của ACV ứng dụng chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số để chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ như: hệ thống hỗ trợ giúp hành khách tự làm thủ tục hàng không, hệ thống hỗ trợ hành khách tự làm thủ tục ký gửi hành lý, hệ thống phát thanh tự động ứng dụng AI để phát thanh tìm theo tên hành khách, hệ thống ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, biometric nhận diện khuôn mặt (facial ID) cùng hệ thống thiết bị kiểm soát các thủ tục an ninh tự động, hệ thống kiểm soát lên tàu bay tự động (e-gate)... đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách. Những yếu tố này giúp cho Nhà ga hành khách T2 sân bay Phú Bài trở thành nhà ga hàng không đẹp, hiện đại và thông minh bậc nhất Việt Nam hiện nay.
Đường Vành đai 3 TP.HCM
Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM được khởi công sáng 18/6/2023. Công trình có tổng chiều dài 76,3 km, đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35 km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km), Long An (6,81 km). Tổng mức đầu tư của Dự án là 75.378 tỷ đồng, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Dự án thu hút được hàng loạt nhà thầu lớn trong nước tham gia thi công như: Tổng công ty Thành An, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Tổng công ty Xây dựng số 1, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Công ty TNHH Tập đoàn Định An, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính…
Đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối hành lang đô thị, cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội
Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô được khởi công ngày 25/6/2023, được kỳ vọng tạo ra không gian phát triển mới cho cả vùng Thủ đô, thúc đẩy vùng Thủ đô “cất cánh”, đặc biệt có ý nghĩa với TP. Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh nơi tuyến đường đi qua. Những gói thầu chính của Dự án đều do liên danh các nhà thầu lớn trong nước đảm nhận như: Công ty CP Tập đoàn Cienco4, Vinaconex, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phượng Hoàng…
Dự án có tổng chiều dài 112,8 km, được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Dự kiến, Dự án cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Ngày 31/8/2023, Gói thầu 5.10 Thi công nhà ga hành khách thuộc Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã chính thức khởi công xây dựng sau bao tháng ngày chờ đợi. Nhà thầu thực hiện Gói thầu là Liên danh Vietur gồm 10 thành viên do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding (Thổ Nhĩ Kỳ) đứng đầu. 9 thành viên còn lại gồm: Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, Vinaconex, Công ty CP Kết cấu thép ATAD, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội. Công trình nhà ga có tổng mức đầu tư gần 35.000 tỷ đồng được xem là “trái tim” của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2026.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2
Sáng 24/12/2023, tại tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức khánh thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2. Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km, có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt do kỹ sư Việt Nam thiết kế và đội ngũ nhà thầu Việt xây dựng.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP.HCM đến TP. Cần Thơ dài 120 km. Việc hoàn thành, đưa vào khai thác hai dự án có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm ùn tắc, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như trước đây. Hai dự án cũng giúp hình thành tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ.