3 loại hình cơ quan đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu (CSH) nhà nước tại doanh nghiệp (DN), trong đó quy định rõ có 3 loại hình cơ quan đại diện CSH.
Nghị định về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Ảnh: Lê Tiên
Nghị định về thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Ảnh: Lê Tiên

Đây là một trong những nghị định quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DN nắm giữ nguồn lực rất lớn của đất nước.

Theo đó, 3 loại hình cơ quan đại diện CSH theo Dự thảo Nghị định là: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là cơ quan đại diện CSH của DN nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư tại các DN theo quy định của Chính phủ; bộ, ngành cấp tỉnh là cơ quan đại diện CSH tại DN không thuộc đối tượng chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); SCIC tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện CSH nhà nước tại các DN theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo Nghị định gồm 3 chương, 14 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và xác định các loại hình cơ quan đại diện CSH; tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện CSH được quy định tại Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (Luật số 69/2014/QH13).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành Nghị định là cần thiết bởi hai lý do chính. Một là Khoản 4 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN quy định Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện CSH. Trên thực tế, quá trình rà soát pháp luật hiện hành cho thấy, phần lớn nội dung thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện CSH đã được quy định đầy đủ tại Luật số 69/2014/QH13 và nhiều nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn một số nội dung chưa được hướng dẫn như: chưa có quy định rõ ràng về việc xác định chủ thể là cơ quan đại diện CSH; chưa có quy định hướng dẫn đầy đủ và thống nhất về thực hiện quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện CSH trong việc phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh; việc đăng ký thành lập, tổ chức lại, giải thể, chuyển giao DN, chuyển đổi DN nhà nước thành công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Lý do thứ hai là Chính phủ đã có Nghị quyết số 09/NQ-CP về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Tuy vậy, do chưa thể chuyển giao ngay lập tức tất cả DN về Ủy ban và SCIC nên trong thời kỳ chuyển tiếp vẫn còn duy trì một số cơ quan đại diện CSH khác. Chính bởi những lý do này, cần thiết phải có quy định chung về thực hiện quyền, trách nhiệm của các cơ quan đại diện CSH ngoài Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Nghị định tập trung hướng dẫn những vấn đề chưa rõ hoặc chưa có quy định hướng dẫn thi hành cụ thể đối với thủ tục thành lập DN 100% vốn nhà nước; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể DN 100% vốn nhà nước; phê duyệt chiến lược, kế hoạch của DN…

Cụ thể, tờ trình Dự thảo Nghị định cho biết, Luật số 69/2014/QH13, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP đã quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ chưa quy định hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng về việc ban hành quyết định thành lập DN và các công tác chuẩn bị đăng ký thành lập DN. Vì thế, Dự thảo Nghị định này quy định rõ, cơ quan đại diện CSH lập và trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ đề nghị thành lập DN (bao gồm Đề án thành lập và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật); Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án thành lập DN sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan có thẩm quyền và ý kiến của các cơ quan có liên quan theo quy định; sau khi Đề án thành lập được phê duyệt, cơ quan đại diện CSH ra quyết định thành lập DN, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ…

Đối với việc chuyển giao quyền đại diện CSH vốn nhà nước, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có quy định việc chuyển giao DN về Ủy ban theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, để đảm bảo tính nhất quán giữa các văn bản pháp luật, Dự thảo Nghị định này quy định cơ quan đại diện CSH thực hiện chuyển giao vốn nhà nước tại DN cho cơ quan đại diện CSH khác sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương. Trình tự, thủ tục chuyển giao vốn nhà nước tại DN thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục