Ảnh Internet |
Nhìn ở góc độ cơ hội phát triển, nếu Việt Nam chuẩn bị tốt 3 trụ cột về thể chế, phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ - các giải pháp phát triển kinh tế số, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tốt, kinh tế Việt Nam có cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bây giờ hoặc không bao giờ
Theo một nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương, CMCN 4.0 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra một thế giới chạy bằng robot và máy tính nhân tạo, có thể phát triển tới mức thay thế con người trong việc phán đoán và quản lý các hệ thống phức tạp.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, CMCN 4.0 là một xu thế khách quan, phát triển thành xã hội thông minh trên tất cả các cấp độ: toàn cầu, quốc gia, không phân biệt giàu nghèo và vùng địa lý, cấp ngành và DN. Trong cuộc cách mạng này, tất cả các quốc gia, dân tộc đều có cơ hội, tận dụng được cơ hội thì không bị bỏ lại phía sau. Với Việt Nam, ông Cung nhìn nhận: “Chúng ta có cơ hội và có khả năng trong cuộc cách mạng này”.
Đánh giá cao cơ hội từ CMCN 4.0 cho phát triển đất nước, trong các phát biểu gần đây, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần đánh giá, cuộc cách mạng này là cơ hội để Việt Nam nắm bắt, bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các nước, đi nhanh cùng thế giới. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: “Đến nay, Việt Nam đã chậm so với thế giới, nếu chúng ta không nhanh thì e ngại chậm mất, xong hết thì thế giới lại sang 5.0 rồi… Nếu lần này bỏ lỡ cơ hội thì không biết bao giờ cơ hội đến nữa”.
TS. Cung cũng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không tận dụng được cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 thì có thể không bao giờ thu hẹp và đuổi kịp các quốc gia phát triển”.
Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2018 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia diễn ra mới đây, TS. Cung chia sẻ thực trạng buồn khi có một số bộ, ngành yêu cầu phải tiên phong trong cuộc CMCN 4.0 thì giai đoạn qua lại cải cách rất chậm chạp như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ… Dường như các bộ này vẫn níu kéo, tiếc nuối cách làm cũ trong tiến hành chuyển đổi cải cách thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Đáng nói hơn, dường như những chỉ đạo về CMCN 4.0, kinh tế số vẫn chỉ nằm trên giấy.
Bắt tay cải thiện ngay 3 trụ cột
Để nắm bắt được cơ hội từ CMCN 4.0, lãnh đạo CIEM cho rằng, Việt Nam phải tiến hành cải cách mạnh mẽ với 3 trụ cột.
Trụ cột thứ nhất là đẩy mạnh cải cách thể chế bằng việc chuyển đổi những công việc, nhiệm vụ hiện nay theo cách thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, đột phá cải cách thể chế, rút ngắn thời hạn hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại để khoa học, công nghệ thay thế và đuổi “quan hệ”. Đồng thời, hình thành phương thức và thói quen kinh doanh mới, để thành công là kết quả của cạnh tranh công bằng, chứ không phải là kết quả của quan hệ thân hữu. Đến năm 2020, tất cả các dịch vụ công đều được cung cấp trực tuyến cấp độ 4; bãi bỏ sử dụng hồ sơ giấy trong thực hiện các thủ tục hành chính công…
Với tình trạng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn kém hiệu quả vừa qua, trong đó có một nguyên nhân lớn là thiếu minh bạch thông tin, trong cuộc CMCN 4.0, yêu cầu tất cả DNNN, DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nghiên cứu, lựa chọn áp dụng ngay công cụ quản lý dựa trên dữ liệu lớn, phân tích đánh giá trực tuyến, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó sẽ có ngay những cải thiện nhảy vọt về hiệu quả của DNNN.
Ở trụ cột phát triển DN công nghệ và các giải pháp phát triển kinh tế số, nhất là hệ sinh thái để phát triển thương mại điện tử, DN Việt Nam cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, nâng cao mức độ sẵn sàng của công nghệ và giảm chi phí cho DN ứng dụng công nghệ, bởi hiện nay chi phí Internet vẫn cao và tốc độ đường truyền chưa cao.
Trụ cột lớn thứ ba là xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần thực hiện mạnh mẽ hơn để những câu chuyện về nỗi gian truân, khổ ải của những người sáng tạo, khởi nghiệp, những vô lý và vô cảm của bộ máy quản lý nhà nước có sự cải thiện mạnh mẽ. Do đó, trong trụ cột này, các cơ quan chức năng cần đánh giá thực trạng phát triển, rào cản và có chính sách phù hợp khuyến khích, bảo hộ các DN công nghệ tư nhân Việt Nam. Mời gọi start-up người Việt ở nước ngoài về nước mở DN start-up trong các trung tâm đổi mới sáng tạo; lắng nghe và sửa đổi pháp luật theo yêu cầu, đề nghị hay tham vấn của họ…
Bên cạnh nhấn mạnh thực hiện mạnh mẽ 3 trụ cột nêu trên, TS. Cung cũng đề xuất thành lập Ủy ban Nhà nước về cải cách, chuyển đổi, phát triển kinh tế trong CMCN 4.0.