4 dự án cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông: Đề xuất chọn tư vấn quốc tế

(BĐT) - Để đảm bảo triển khai đồng bộ, kịp thời cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế để hỗ trợ triển khai 4 dự án cao tốc còn lại trong 8 dự án cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Phát triển châu Á đang hỗ trợ Bộ GTVT chuẩn bị 4/8 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Hoài Tâm
Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Phát triển châu Á đang hỗ trợ Bộ GTVT chuẩn bị 4/8 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Hoài Tâm

Vì sao đề xuất sử dụng tư vấn giao dịch quốc tế?

Bộ GTVT cho biết, Bộ này đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần để đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Theo kế hoạch, việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ cơ bản hoàn thành vào tháng 7/2018 để làm cơ sở sơ tuyển quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đúng trình tự thủ tục theo quy định. Việc sử dụng tư vấn giao dịch để hỗ trợ triển khai các dự án, trong đó có hỗ trợ công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã được Chính phủ chấp thuận.

Theo Bộ GTVT, thời gian qua, mặc dù Bộ này đã triển khai nhiều dự án PPP theo hợp đồng BOT, song chủ yếu các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng trong nước tham gia, không thu hút được các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế do chưa đảm bảo sự hấp dẫn trong hồ sơ cũng như việc kêu gọi đầu tư.

Bộ GTVT nhận thấy, để có thể kêu gọi được các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng quốc tế tham gia tài trợ thực hiện các dự án PPP thì việc chuẩn bị dự án phù hợp với thông lệ quốc tế là rất quan trọng, đóng vai trò quyết định, tạo sự tin cậy đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, đồng thời vẫn đảm bảo sự chặt chẽ về mặt pháp lý. Do đó, việc sử dụng tư vấn giao dịch quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp và rất cần thiết. 

Áp dụng mức lương chuyên gia quốc tế để đấu thầu

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang hỗ trợ Bộ GTVT chuẩn bị 4/8 dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm: đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt theo hình thức PPP, sử dụng nguồn vốn PDF (Quỹ Phát triển dự án), trong đó có sử dụng tư vấn giao dịch quốc tế để hỗ trợ triển khai. 4 dự án cao tốc còn lại gồm: Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết chưa có tư vấn giao dịch để hỗ trợ triển khai.

Để đảm bảo triển khai đồng bộ, kịp thời cả 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận lựa chọn tư vấn giao dịch quốc tế để hỗ trợ triển khai 4 dự án cao tốc còn lại nói trên.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Bộ này lập dự toán kinh phí có áp dụng với mức lương của chuyên gia quốc tế đối với gói thầu tư vấn giao dịch này để làm cơ sở đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế triển khai, tương tự như các dự án sử dụng vốn ODA đã và đang thực hiện. Lý do là khi lập dự toán kinh phí cho nguồn vốn nhà nước thì đối với mức lương chuyên gia được căn cứ theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH về mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở lập dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước và quy định tại Quyết định số 79/QĐ-BXD ngày 15/2/2017 của Bộ Xây dựng về công bố định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng. Theo các quy định này, giá gói thầu và chi phí tư vấn giao dịch rất thấp, chỉ bằng 30 - 40% chi phí so với các gói thầu sử dụng vốn hỗ trợ ODA. Với giá trị gói thầu và chi phí thấp như vậy sẽ không thể lựa chọn được tư vấn giao dịch quốc tế có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia.