4 lần xuất kích giải cứu đồng đội của Thần sấm A-10

A-10 là máy bay cường kích nổi tiếng nhất của Mỹ, nhiều lần kịp thời yểm trợ hỏa lực tầm gần để giải cứu lực lượng mặt đất.

Cường kích A-10 diễn tập bắn đạn thật

Mỹ sở hữu nhiều hệ thống vũ khí dùng để yểm trợ hỏa lực cho bộ binh, nhưng hiếm loại khí tài nào được ưa chuộng bằng cường kích Thần sấm A-10 Thunderbolt II, còn có biệt danh là Lợn lòi (Warthog). Nhờ trang bị hỏa lực mạnh gồm rocket, bom và pháo 30 mm, các cường kích A-10 đã có những lần ra đòn ngoạn mục giải cứu đồng đội gặp nguy trên chiến trường, theo Scout.

Diệt Taliban giải cứu đặc nhiệm

Ngày 1/10/2010, một đội đặc nhiệm lục quân Mỹ rơi vào ổ phục kích của phiến quân Taliban tại Afghanistan. Trước nguy cơ bị kẻ địch với quân số áp đảo tiêu diệt, chỉ huy đội đặc nhiệm quyết định liên lạc với cấp trên xin chi viện hỏa lực.

Nhận được yêu cầu từ đội đặc nhiệm, đại úy Aaron M. Palan thuộc Phi đội tiêm kích viễn chinh số 75 đóng tại Kandahar, lập tức điều khiển chiếc A-10 xuất kích đến nơi đang xảy ra giao tranh.

Sau khi xác định vị trí phiến quân, đại úy Palan phóng 4 quả tên lửa dẫn đường, ba rocket chứa phốt pho trắng và khai hỏa 1.150 quả đạn pháo 30 mm vào mục tiêu.

Cường kích A-10 Mỹ triển khai tới Afghanistan

Khi chiếc A-10 bay lên để tiếp dầu, đại úy Palan tiếp tục chỉ thị mục tiêu cho một trực thăng AH-64 tấn công phiến quân Taliban dưới mặt đất. Trong nhiệm vụ này, máy bay Mỹ đã tiêu diệt 20-30 tay súng Taliban, chặn đứng 5 đợt tấn công của phiến quân nhằm vào nhóm đặc nhiệm, giúp họ rời khỏi trận địa an toàn.

Giải cứu phi công gặp nạn ở Iraq

Trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, một phi công tiêm kích F-14 Mỹ bị lực lượng phòng không Iraq bắn hạ. Đại úy Paul T. Johnson thuộc Không đoàn tiêm kích chiến thuật số 354 dẫn đầu biên đội hai chiếc cường kích A-10 tiến hành nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ phi công này.

Bất chấp mối đe dọa từ hệ thống phòng không đối phương, Johnson quyết định cho biên đội xâm nhập sâu vào lãnh thổ Iraq và hạ độ cao xuống 152 m để tìm phi công Mỹ nhảy dù.

Suốt ba giờ, Johnson quần lượn ở độ cao thấp để tìm kiếm phi công bị bắn rơi. Phát hiện một tổ hợp tên lửa Iraq trong khu vực, chiếc cường kích A-10 khai hỏa diệt mục tiêu.

Cuối cùng, Johnson cũng phát hiện được vị trí phi công Mỹ bị bắn rơi, đồng thời nhận thấy một xe tải chở quân đang tìm cách tiếp cận phi công này. Johnson thông báo vị trí cho chỉ huy, đồng thời khai hỏa tiêu diệt chiếc xe tải. Phi công tiêm kích F-14 sau đó được giải cứu thành công.

Đánh lừa hệ thống phòng Serbia

Sau khi một phi công Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời Serbia ngày 27/3/1999, đại úy John A. Cherrey dẫn đầu phi đội A-10 thực hiện chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Để đến được địa điểm phi công nhảy dù, các máy bay A-10 phải bay qua lưới hỏa lực phòng không dày đặc của Serbia.

Phi đội A-10 Mỹ liên tục bị đối phương gây nhiễu, đối mặt với điều kiện thời tiết xấu và máy bay tuần tra của Serbia.

Khi phát hiện phi công nhảy dù gần một hệ thống phòng không Serbia, phi đội A-10 của Cherry đã bay lòng vòng gần đó để nghi binh, giúp các trực thăng Mỹ đổ bộ giải cứu phi công gặp nạn. Các phi công tham gia chiến dịch giải cứu sau đó trở về căn cứ an toàn.

Ngăn thảm họa ném bom nhầm đồng đội

Tháng 1/2007, một nhóm thủy quân lục chiến Anh tấn công phiến quân Taliban cố thủ trong pháo đài Jugroom, tỉnh Helmand, Afghanistan. Tuy nhiên, phiến quân đáp trả bằng hỏa lực mạnh, khiến nhóm lính Anh bị chia cắt và phải bỏ lại một đồng đội bị thương khi rút lui.

Quân đội Anh sau đó tiến hành sứ mệnh giải cứu binh sĩ này với sự tham gia của trực thăng AH-64, dưới sự yểm trợ hỏa lực của oanh tạc cơ B-1 và cường kích A-10 Mỹ.

4 lần xuất kích giải cứu đồng đội của Thần sấm A-10 ảnh 1

A-10 phóng tên lửa yểm trợ hỏa lực tầm gần. Ảnh: WATM

Theo kế hoạch, oanh tạc cơ B-1 sẽ dội bom xuống mục tiêu phiến quân ở gần pháo đài Jugroom, dọn đường cho thủy quân lục chiến Anh tiếp cận với đồng đội bị thương.

Khi chiếc B-1 chuẩn bị ném bom, phi đội trưởng A-10 phát hiện tọa độ không kích của chiếc oanh tạc cơ trùng với nơi binh sĩ Anh bị thương đang ẩn nấp. Phi công này lập tức phát tín hiệu cảnh báo cho đội bay trên chiếc B-1, yêu cầu họ hủy bỏ lượt ném bom đầu tiên, kịp thời ngăn chặn một thảm họa.

Phi công A-10 sau đó chuyển tiếp tọa độ chính xác của phiến quân để chiếc B-1 thả bom, giúp chiến dịch giải cứu diễn ra thành công.

Tin cùng chuyên mục