Đồng yên rẻ không còn hút vốn vào thị trường chứng khoán Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Quan niệm bấy lâu nay cho rằng đồng yên Nhật Bản mất giá là một yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán nước này có lẽ không còn phù hợp...
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Theo hãng tin Bloomberg, mối tương quan giữa tỷ giá đồng yên và chứng khoán Nhật đang ngày càng suy giảm, trong bối cảnh sự trái chiều chính sách tiền tệ toàn cầu.

Sau đợt sụt giảm mạnh vào mùa hè năm nay dưới sức ép từ việc đồng yên tăng giá chóng mặt so với dồng USD, chỉ số Topix - thước đo chủ chốt của chứng khoán Nhật - gần đây mắc kẹt trong một phạm hẹp. Trong khi đó, đồng yên đang trồi sụt khó lường, dao động giữa mức cao nhất trong 14 tháng đạt được vào giữa tháng 9 là 139,58 yên đổi 1 USD và mức đáy thiết lập vào giữa tháng 11 là 156,75 yên/USD - cách không xa mức đáy 38 năm của ghi nhận hồi tháng 7.

MẤU CHỐT LÀ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ

Về cơ bản, Topix và tỷ giá đồng yên biến động độc lập trong 2 tháng qua, với hệ số xác định (coefficient of determination) - thước đo mối liên kết giữa hai dữ liệu riêng biệt - giữa Topix và tỷ giá đồng nội tệ của Nhật Bản gần như bằng 0. Con số này thấp hơn nhiều so với mốc 0,5 điểm thường được coi là mức chỉ báo về một loại mối quan hệ nào đó.

Nhà kinh tế cấp cao Hiroshi Watanabe - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường tài chính tại công ty Sony Financial Group Inc. - cho rằng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự đổ vỡ trong mối tương quan giữa chứng khoán Nhật và tỷ giá đồng yên.

Theo ông Watanabe, xu hướng thị trường đã thay đổi vào tháng 5 năm nay, khi BOJ chuyển trọng tâm sang kiềm chế rủi ro lạm phát tăng do đồng yên rẻ gây ra, thay vì hỗ trợ một vòng xoáy tăng tiền lương và giá cả. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Nhật đã tiến hành hai đợt nâng lãi suất trong năm nay, đảo ngược chính sách lãi suất âm duy trì suốt 8 năm.

Ông Watanabe nói thêm rằng các nhà đầu tư nước ngoài không thích việc BOJ dịch chuyển chính sách từ nới lỏng sang thắt chặt, và họ đã bán ròng cổ phiếu Nhật Bản kể từ đó. “Kể từ tháng 5, các nhà đầu tư đã nghĩ rằng đồng yên giảm giá sẽ khiến BOJ đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Điều đó khiến nhiều cổ phiếu Nhật Bản mất giá”, nhà kinh tế học nói.

Ông Watanabe nhận định chứng khoán Nhật Bản sẽ chịu áp lực chừng nào quan điểm của BOJ còn nghiêng về thắt chặt trong khi quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nghiêng về nới lỏng. Sự trái chiều này có thể duy trì thêm ít nhất vài tháng nữa, khi BOJ được dự báo sẽ còn tăng lãi suất và Fed dự kiến ​​sẽ cắt giảm lãi suất xuống thấp hơn.

Xu hướng tăng giá trước đây của chứng khoán Nhật Bản do đồng yên giảm giá xuất phát một phần từ quan niệm truyền thống rằng nước này có nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu. Nhưng trên thực tế, Nhật Bản gần như chuyển sang tình trạng thâm hụt thương mại nếu tính từ năm 2019. Đây là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có mức tăng trưởng xuất khẩu gần như bằng 0 trong 10 năm qua.

Trong bối cảnh đó, đồng yên tăng giá thực chất sẽ mang lại lợi ích cho nhiều công ty ở Nhật - theo ông Neil Newman, trưởng chiến lược tại công ty Astris Advisory Japan. “Vẫn còn đó ý tưởng cũ cho rằng lợi nhuận của các công ty Nhật Bản rất nhạy cảm với tỷ giá đồng yên. Thực ra câu chuyện bây giờ đã khác. Đồng yên yếu bây giờ là một yếu tố bất lợi đối với Nhật Bản, vì nước này không còn là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nữa”, ông Newman nói.

CÁCH LỰA CHỌN CỔ PHIẾU MỚI

Vị chiến lược gia nhấn mạnh rằng đồng yên mạnh sẽ làm giảm chi phí đầu vào và giúp tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật cải thiện, vì giá sản phẩm của doanh nghiệp sẽ giảm chậm hơn so với chi phí đầu vào đó.

Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng một số nhà xuất khẩu như hãng xe Toyota Motor Corp. vẫn có thể hưởng lợi từ đồng yên rẻ hơn. Nhiều nhà phân tích ước tính rằng, xét về tổng thể, đồng yên yếu hơn sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của các công ty thành viên chỉ số Topix nói chung.

Dù vậy, nhiều công ty Nhật Bản đã hạn chế được đáng kể tác động của biến động tỷ giá tiền tệ, bằng cách chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài và thực hiện cẩn trọng các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Một số doanh nghiệp lớn như Hitachi Ltd. và Sony Group Corp. hiện có mức rủi ro ngoại hối rất nhỏ sau nhiều năm tái cơ cấu doanh nghiệp.

Có những biểu hiện cho thấy các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật cũng đã trở nên hiểu biết hơn trước. Phản ứng tức thời của chỉ số chứng khoán nước này với các biến động của đồng yên giờ đây dường như chỉ còn là chuyện của quá khứ.

Bà Akemi Hatano, chiến lược gia trưởng của công ty SBI Securities Co., cho biết phân tích của bà phát hiện thấy rằng nhà đầu tư hứng thú hơn với cổ phiếu của những công ty có tỷ lệ doanh thu ở nước ngoài cao nhưng có độ nhạy cảm thấp với biến động tỷ giá đồng yên. Bà nói rằng đây là một sự thay đổi so với năm 2022, thời điểm mà các công ty có độ nhạy cảm cao với tỷ giá được ưa chuộng hơn.

“Thay vì lao vào mua cổ phiếu của tất cả những công ty hưởng lợi từ sự mất giá của đồng yên, các nhà đầu tư dường như chấp nhận rủi ro một cách thận trọng bằng cách mua cổ phiếu của những công ty hướng tới nhu cầu ở thị trường nước ngoài nhưng lựa chọn cổ phiếu một cách kỹ lưỡng hơn”, bà Hatano nói.

Tin cùng chuyên mục