![]() |
Chính phủ Singapore đã phân bổ 150 triệu SGD cho các chương trình tài trợ kỹ thuật số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào những giải pháp công nghệ tiên tiến |
Mỹ cắt giảm thuế, bảo hộ thương mại
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã theo đuổi một lộ trình kinh tế đầy tham vọng, kết hợp giữa chính sách tài khóa kích thích và bảo hộ thương mại. Trọng tâm tài khóa là gia hạn các điều khoản của Đạo luật Cắt giảm thuế và việc làm (TCJA) năm 2017, với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng thông qua kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Song song với việc cắt giảm thuế, chính quyền ông Trump cũng nỗ lực giảm chi tiêu chính phủ thông qua việc thành lập các cơ quan như Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE). Mục tiêu của DOGE là giảm lãng phí, tăng hiệu quả hoạt động của chính phủ và thu hẹp quy mô của Chính phủ liên bang.
Trên mặt trận thương mại, chính sách thuế quan đối ứng "Nước Mỹ trên hết" đã tạo ra một "cơn địa chấn" trong quan hệ thương mại quốc tế. Lý lẽ của chính quyền ông Trump xoay quanh việc giảm thâm hụt thương mại, cáo buộc các đối tác thương mại áp dụng rào cản bất công và bảo hộ các ngành công nghiệp Mỹ trước sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Thuế quan được sử dụng như một đòn bẩy, buộc các quốc gia mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ.
Trung Quốc tăng cường chi tiêu tài khóa
Năm 2025, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức "xung quanh 5%" đồng thời tung ra nhiều biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.
Theo đó, Chính phủ Trung Quốc sẽ chủ động hơn trong việc điều hành chính sách tài khóa, kết hợp linh hoạt giữa nguồn thu và phát hành trái phiếu để tối ưu hóa hiệu quả chi tiêu.
Đáng chú ý, tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm nay dự kiến sẽ ở mức khoảng 4% GDP, tăng 1 điểm phần trăm so với năm trước, tương đương 1,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ, nâng tổng thâm hụt lên 5,66 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Tổng chi ngân sách cũng được điều chỉnh lên 29,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ so với năm 2024.
Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, Bắc Kinh có kế hoạch phát hành 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu chính phủ đặc biệt dài hạn, tăng 300 tỷ Nhân dân tệ so với năm trước. Bên cạnh đó, 500 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu chính phủ đặc biệt sẽ được tung ra để củng cố nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước.
Chính quyền trung ương Trung Quốc cũng đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ tài chính cho các địa phương, với việc phân bổ 4,4 nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt, tăng 500 tỷ Nhân dân tệ so với năm trước. Nguồn vốn này sẽ tập trung vào các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, mua nhà ở thương mại hiện có và giải quyết các khoản nợ của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp...
Tổng cộng, nợ chính phủ mới trong năm 2025 ước tính đạt 11,86 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tăng 2,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ so với năm trước, cho thấy quy mô kích thích tài khóa lớn hơn.
Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh quá trình phân bổ và giải ngân vốn. Cơ cấu chi tiêu sẽ tiếp tục được tối ưu hóa, ưu tiên các lĩnh vực phục vụ trực tiếp đời sống người dân, thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Nhật Bản tập trung hỗ trợ người tiêu dùng và thúc đẩy chuyển đổi xanh
Nhật Bản đã phê duyệt gói kích thích trị giá 39 nghìn tỷ Yen (khoảng 250 tỷ USD), hướng tới mục tiêu tăng cường thu nhập cá nhân và khuyến khích chi tiêu tiêu dùng, bao gồm các biện pháp hỗ trợ trực tiếp như trợ cấp giá điện, khí đốt và xăng dầu, cùng với việc cấp tiền mặt cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Bên cạnh các biện pháp ngắn hạn, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét các cải cách thuế nhằm khuyến khích đầu tư và đổi mới, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và công nghệ mới.
Một điểm đáng chú ý khác là sự tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thông qua các chương trình tài chính và tư vấn, giúp họ thích ứng với những thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Gói kích thích này được kỳ vọng không chỉ giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt mà còn tạo tiền đề cho một sự phục hồi kinh tế toàn diện và bền vững.
Hàn Quốc đẩy mạnh cải cách và tung gói kích thích kinh tế có mục tiêu
Hàn Quốc công bố một loạt cải cách sâu rộng có hiệu lực từ tháng 1/2025. Các sáng kiến then chốt bao gồm việc tăng lương tối thiểu theo giờ lên trên 10.000 Won (tương đương 6,80 USD), cùng với các điều chỉnh trong chính sách thuế để tăng cường sự công bằng kinh tế và hiệu quả tài khóa.
Bên cạnh đó, Seoul cũng giới thiệu hệ thống chứng minh thư số để tối ưu hóa quy trình hành chính, tăng cường hỗ trợ cho các bậc phụ huynh trước thách thức nhân khẩu học và triển khai các sáng kiến bảo đảm nguồn lực thiết yếu cho sự ổn định của nền kinh tế.
Song song với các cải cách này, Chính phủ Hàn Quốc còn quyết định bổ sung khoảng 10 nghìn tỷ Won vào ngân sách, trong đó, 3 - 4 nghìn tỷ Won nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là các chính sách thương mại quốc tế.
Ấn Độ tăng cường đầu tư hạ tầng, thúc đẩy sản xuất công nghệ sạch
Trong Ngân sách Liên bang 2025 - 2026, Ấn Độ tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với phát triển kết cấu hạ tầng với mức phân bổ kỷ lục 11,21 nghìn tỷ Rupee (tương đương 3,1% GDP) nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Để hỗ trợ các bang thúc đẩy chi tiêu, Chính phủ Ấn Độ cũng cung cấp các khoản vay dài hạn, không lãi suất trị giá 1,5 nghìn tỷ Rupee. Đáng chú ý, quốc gia này đã đưa ra các bậc thuế trực thu mới, giúp giảm gánh nặng cho tầng lớp trung lưu bằng cách miễn thuế cho thu nhập lên đến 1,2 triệu Rupee mỗi năm.
Thêm vào đó, ngân sách cũng dành để phát triển đô thị, khai khoáng, tài chính… nhằm khai thác tiềm năng tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của Ấn Ðộ. Các biện pháp hỗ trợ người nghèo, nông dân, thanh niên và phụ nữ đã được đưa vào kế hoạch ngân sách. Ấn Độ cũng thúc đẩy hỗ trợ giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên ngành như y tế, công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Singapore tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy chuyển đổi số
Trong Ngân sách 2025, Singapore triển khai một loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm củng cố các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Một trong những điểm nổi bật là việc hoàn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các SME, giới hạn ở mức 40.000 SGD, giúp giảm đáng kể áp lực tài chính cho khu vực này.
Để khuyến khích ứng dụng công nghệ và tăng sức cạnh tranh, chính phủ nước này đã phân bổ 150 triệu SGD cho các chương trình tài trợ kỹ thuật số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào những giải pháp công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, Singapore tiếp tục chú trọng vào việc phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động thông qua việc cung cấp 10.000 SGD tín dụng doanh nghiệp SkillsFuture, hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ và đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng. Những nỗ lực này cho thấy cam kết của Singapore trong việc xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh vững mạnh và một lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai kỹ thuật số.