Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn còn thấp. Ảnh: Lê Tiên |
Cụ thể, cả nước có 24.467 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2017; có 53.937 DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 62,6%; và có 13.307 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 35,9%.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể tăng cao do nhiều nguyên nhân như: những hạn chế cố hữu của DN nhỏ và vừa Việt Nam vẫn chưa được giải quyết hiệu quả, dẫn đến năng lực cạnh tranh còn thấp; quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường… Nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, cơ quan này đề xuất 5 giải pháp.
Đầu tiên là tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó chú trọng giải quyết một cách thực chất, có hiệu quả những vấn đề có tác động lớn, trực tiếp đến hoạt động của DN. Thứ hai, cần có sự nghiên cứu đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động, khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để có sự điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện quy định về giải thể DN theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho DN rút lui khỏi thị trường. Thứ tư, tăng cường chất lượng công tác hậu kiểm thông qua việc bổ sung nguồn lực con người, cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành, giải quyết tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong hoạt động hậu kiểm. Giải pháp thứ năm là đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ DN nhỏ và vừa một cách toàn diện để nâng cao sức cạnh tranh.