Quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang tạo rào cản bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp đang hoạt động. Ảnh: Nhã Chi |
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là vẫn còn tồn tại nhiều rào cản hạn chế cạnh tranh.
Còn khiếm khuyết
Cạnh tranh là linh hồn và nền tảng của kinh tế thị trường, nhưng chính sách cạnh tranh quốc gia hiện còn không ít khiếm khuyết. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) 2016 - 2017, Việt Nam vẫn là nền kinh tế thị trường kém cạnh tranh với thứ hạng 60/138 nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (CGI), xếp thứ 80/138 nước về mức độ cạnh tranh trong nước và đứng thứ 89/138 nước về Chỉ số hiệu quả chống độc quyền.
Tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng diễn ra khá phổ biến không chỉ giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với khối tư nhân, mà còn giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài với khối tư nhân trong nước.
Việc phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội hiện còn kém hiệu quả, chưa theo tín hiệu thị trường, chưa tuân thủ quy luật cạnh tranh, đặc biệt là phân bổ vốn nhà nước, đã tác động xấu đến hiệu quả và năng suất của nền kinh tế.
Trong khi đó, hệ thống luật pháp và các chính sách liên quan đang tạo ra khá nhiều rào cản gia nhập thị trường, đặc biệt là các rào cản gia nhập thị trường từng ngành, từng thị trường hàng hóa, dịch vụ cụ thể. Hiện các quy định về điều kiện kinh doanh với nhiều điểm bất hợp lý đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế như tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, làm nản lòng các doanh nghiệp đang hoạt động…
5 nhóm giải pháp tổng thể
Trên cơ sở đó, tại Dự thảo Đề án tổng thể về chính sách cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đầu tiên là nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về cạnh tranh, chính sách cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. Dự thảo Đề án nhấn mạnh, khi quyết định ban hành bất kỳ quy định, chính sách hay biện pháp quản lý/can thiệp nào, cơ quan xây dựng phải trả lời câu hỏi các quy định, chính sách hay biện pháp này khuyến khích hay hạn chế thị trường cạnh tranh?
Thứ hai là đổi mới cách thức quản lý nhà nước theo hướng tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng. Trước mắt, tập trung rà soát rào cản thể chế như các quy hoạch, kế hoạch, các điều kiện kinh doanh, giấy phép hành nghề… Về dài hạn, thực hiện rà soát toàn bộ những quy định pháp luật, những văn bản hành chính và loại bỏ hoàn toàn những quy định đang cản trở hoặc có nguy cơ hạn chế cạnh tranh.
Thứ ba là xác định đúng vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, DNNN trong nền kinh tế nhằm giảm thiểu sự tham gia của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế, cơ cấu lại độc quyền nhà nước, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân.
Thứ tư là hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường bằng việc xác định rõ chức năng của Nhà nước và thị trường. Nhà nước hoạt động theo thị trường và can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế không được trái với các nguyên tắc thị trường, mà phải thuận theo thị trường. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển các loại thị trường, đặc biệt là thị trường các nhân tố sản xuất.
Giải pháp thứ năm là thiết lập và giám sát cơ chế đánh giá tác động cạnh tranh của các chính sách, pháp luật, đặc biệt cơ chế đánh giá, quản lý chất lượng các quy định về kinh doanh.
Ngoài 5 nhóm giải pháp nêu trên, Dự thảo Đề án cũng đưa ra một số giải pháp khác như: kiện toàn bộ máy thực hiện điều tiết thị trường; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN...